Chế độ báo cáo về đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không được quy định ra sao?

Chế độ báo cáo và thông báo cho quốc gia liên quan ICAO về hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không như thế nào?

Nội dung chính

    Chế độ báo cáo về đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không được quy định ra sao?

    Căn cứ Điều 89 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định chế độ báo cáo về đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không như sau:

    - Người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, đơn vị chủ quản của khu vực hạn chế ngoài cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm báo cáo ban đầu bằng văn bản về Cục Hàng không Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp; báo cáo 02 lần trên 01 ngày trong thời gian đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp; báo cáo sơ bộ trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm kết thúc việc đối phó.

    - Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Giao thông vận tải bằng văn bản trong trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm nhận được báo cáo của đơn vị về công tác đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp.

    Chế độ báo cáo về đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không được quy định ra sao? (Hình ảnh từ Internet)

    Thông báo cho quốc gia liên quan và báo cáo cho ICAO về hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không?

    Tại Điều 90 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định việc thông báo cho quốc gia liên quan và báo cáo cho ICAO về hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không như sau:

    - Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thông báo những thông tin về tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp hạ cánh trong lãnh thổ Việt Nam cho nhà chức trách hàng không của quốc gia liên quan trong thời gian sớm nhất có thể.

    Thông tin bao gồm: loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, đường bay, số lượng hành khách, tổ bay trên chuyến bay và những yêu cầu đề nghị các quốc gia liên quan trợ giúp. Thông báo được gửi tới:

    + Quốc gia nơi tàu bay đăng ký;

    + Quốc gia của nhà khai thác tàu bay;

    + Quốc gia có các công dân bị chết, bị thương hoặc bị giữ do hành vi can thiệp bất hợp pháp;

    + Quốc gia có công dân là hành khách trên tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp;

    + ICAO.

    - Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm báo cáo ICAO về các hành vi can thiệp bất hợp pháp như sau:

    + Báo cáo sơ bộ theo mẫu quy định tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Thông tư này trong vòng 30 ngày kể từ ngày vụ việc xảy ra;

    + Báo cáo chính thức theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIII ban hành kèm theo Thông tư này trong vòng 60 ngày kể từ ngày vụ việc xảy ra.

    Quy định về diễn tập đối phó hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không?

    Căn cứ Điều 91 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT có quy định về diễn tập đối phó hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không như sau:

    - Cục Hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài ngành hàng không tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp cấp ngành tối thiểu 03 năm một lần tại 01 cảng hàng không hoặc 01 cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.

    - Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không Việt Nam, doanh nghiệp chủ quản cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức diễn tập cấp cơ sở tại mỗi cảng hàng không, mỗi hãng hàng không, mỗi cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu tối thiểu 02 năm 01 lần.

    - Cơ quan, tổ chức nước ngoài có thể được mời tham quan diễn tập đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

    - Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch tổ chức diễn tập cấp ngành.

    15