Cán bộ công chức nghỉ hưu trước tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ hưu sớm?
Nội dung chính
Cán bộ công chức nghỉ hưu trước tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ hưu sớm?
Ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trong đó, căn cư quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, cán bộ công chức nghỉ hưu trước tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm, cụ thể:
(1) Đối với người nghỉ trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền:
Trường hợp có tuổi đời từ đủ 05 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm so với thời điểm nghỉ hưu.
Trường hợp có tuổi đời còn trên 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng.
(2) Đối với người nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,5 mức trợ cấp tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP.
Cán bộ công chức nghỉ hưu trước tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ hưu sớm? (Hình từ Internet)
Việc đánh giá cán bộ công chức để thực hiện sắp xếp và giải quyết chính sách, chế độ dựa trên những tiêu chí gì?
Căn cứ quy định tại Điều 6 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, việc đánh giá cán bộ công chức để thực hiện sắp xếp và giải quyết chính sách, chế độ dựa trên những tiêu chí như sau:
(1) Tiêu chí đánh giá về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ công chức.
(2) Tiêu chí đánh giá về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, thời gian, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ thường xuyên và đột xuất.
(3) Tiêu chí đánh giá về kết quả, sản phẩm công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ công chức đã đạt được.
(4) Đối với cán bộ công chức được đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội thì phải đáp ứng 3 tiêu chí tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, đồng thời phải bảo đảm tiêu chí đánh giá về đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và có thành tích tiêu biểu, nổi trội, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cán bộ công chức có những nghĩa vụ gì trong thi hành công vụ?
Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định:
Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ
1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cán bộ công chức có những nghĩa vụ theo quy định trên trong thi hành công vụ.