Các văn bản trong hồ sơ xin giấy phép xây dựng có bắt buộc phải là bản chính không?
Nội dung chính
Các văn bản trong hồ sơ xin giấy phép xây dựng có bắt buộc phải là bản chính không?
Căn cứ khoản 2 Điều 42 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:
Quy định chung về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng
1. Hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng được gửi trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến theo quy định.
2. Các văn bản, giấy tờ, bản vẽ thiết kế trong hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử.
...
Như vậy, các văn bản trong hồ sơ xin giấy phép xây dựng không bắt buộc phải là bản chính, có thể là bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến
Các văn bản trong hồ sơ xin giấy phép xây dựng có bắt buộc phải là bản chính không? (Ảnh từ Internet)
Nội dung giấy phép xây dựng có được công khai không?
Căn cứ Điều 55 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:
Công khai giấy phép xây dựng
1. Cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm công bố công khai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp trên trang thông tin điện tử của mình.
2. Chủ đầu tư có trách nhiệm công khai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp tại địa điểm thi công xây dựng trong suốt quá trình thi công xây dựng để tổ chức, cá nhân theo dõi và giám sát theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, nội dung giấy phép xây dựng được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép xây dựng và tại địa điểm thi công xây dựng trong suốt quá trình thi công xây dựng
Trình tự, nội dung xem xét cấp giấy phép xây dựng được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 54 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:
Trình tự, nội dung xem xét cấp giấy phép xây dựng
1. Trình tự cấp giấy phép xây dựng:
a) Cơ quan cấp giấy phép xây dựng thực hiện kiểm tra, đánh giá hồ sơ và cấp giấy phép xây dựng theo quy trình quy định tại Điều 102 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 36 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14;
b) Cơ quan cấp giấy phép xây dựng sử dụng chữ ký điện tử của cơ quan mình hoặc mẫu dấu theo quy định tại Mẫu số 13 Phụ lục II Nghị định này để đóng dấu xác nhận bản vẽ thiết kế kèm theo giấy phép xây dựng cấp cho chủ đầu tư.
2. Cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện cấp giấy phép xây dựng quy định tại Điều 41 Nghị định này. Việc kiểm tra các nội dung đã được cơ quan, tổ chức thẩm định, thẩm duyệt, thẩm tra theo quy định của pháp luật được thực hiện như sau:
a) Đối chiếu sự phù hợp của bản vẽ thiết kế xây dựng tại hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng với thiết kế cơ sở được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định và đóng dấu xác nhận đối với các công trình thuộc dự án có yêu cầu thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan chuyên môn về xây dựng;
b) Kiểm tra sự phù hợp của bản vẽ thiết kế xây dựng tại hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng với bản vẽ thiết kế xây dựng được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền đối với các công trình xây dựng thuộc đối tượng có yêu cầu thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy;
c) Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của báo cáo kết quả thẩm tra đối với công trình có yêu cầu phải thẩm tra thiết kế theo quy định tại Nghị định này.
Như vậy, trình tự, nội dung xem xét cấp giấy phép xây dựng được quy định như sau:
(1) Trình tự cấp giấy phép xây dựng
- Kiểm tra, đánh giá hồ sơ và cấp giấy phép xây dựng:
Cơ quan cấp giấy phép xây dựng thực hiện kiểm tra và đánh giá hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng theo quy trình quy định tại Điều 102 Luật Xây dựng 2014, đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020
- Xác nhận giấy phép bằng chữ ký điện tử hoặc mẫu dấu:
Cơ quan cấp giấy phép xây dựng sử dụng chữ ký điện tử của cơ quan hoặc mẫu dấu theo quy định để đóng dấu xác nhận bản vẽ thiết kế kèm theo giấy phép xây dựng cấp cho chủ đầu tư.
(2) Nội dung kiểm tra của cơ quan cấp giấy phép xây dựng
Cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Việc kiểm tra bao gồm:
- Đối chiếu sự phù hợp của bản vẽ thiết kế với thiết kế cơ sở:
Kiểm tra sự phù hợp của bản vẽ thiết kế xây dựng tại hồ sơ đề nghị cấp phép với thiết kế cơ sở đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định và đóng dấu xác nhận, đối với các công trình thuộc dự án có yêu cầu thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
- Kiểm tra sự phù hợp về phòng cháy, chữa cháy (PCCC):
Đối với các công trình có yêu cầu thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, cơ quan cấp giấy phép phải kiểm tra sự phù hợp của bản vẽ thiết kế xây dựng tại hồ sơ đề nghị cấp phép với bản vẽ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt về PCCC.
- Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của báo cáo thẩm tra thiết kế:
Đối với công trình có yêu cầu thẩm tra thiết kế, cơ quan cấp giấy phép phải kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của báo cáo kết quả thẩm tra theo quy định