Các loại đất rừng được quy định tại Luật Đất đai là gì? Hạn mức giao đất rừng sản xuất là bao nhiêu?

Các loại đất rừng được quy định tại Luật Đất đai là gì? Hạn mức giao đất rừng sản xuất là bao nhiêu? Điều kiện để hộ gia đình được giao đất rừng sản xuất là rừng trồng là gì?

Nội dung chính

    Các loại đất rừng được quy định tại Luật Đất đai là gì?

    Căn cứ tại Điều 184, 185, 186 Luật Đất đai 2024 quy định về các loại đất rừng hiện nay gồm:

    - Đất rừng sản xuất: Đây là loại đất rừng mà nhà nước sẽ giao đất không thu tiền cho cá nhân sản xuất nông nghiệp tại địa phương trong hạn mức quy định, cộng đồng dân cư có khả năng bảo vệ và phát triển rừng, đơn vị vũ trang tại địa phương và ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ.

    Ngoài ra, Nhà nước còn cho thuê đất rừng sản xuất đối với tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thể thuê đất rừng sản xuất. Người thuê đất rừng tự nhiên không được chuyển nhượng, cho thuê lại.

    - Đất rừng phòng hộ: Người được giao đất rừng phòng hộ sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không ghi nhận là tài sản công. Các đối tượng mà Nhà nước giao đất rừng phòng hộ gồm:

    + Ban quản lý rừng phòng hộ, đơn vị vũ trang.

    + Tổ chức kinh tế có đất rừng phòng hộ xen kẽ.

    + Cá nhân và cộng đồng cư trú tại địa phương.

    - Đất rừng đặc dụng: Tương tự với đất rừng phòng hộ, các cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ không được ghi nhận là tài sản công. Với loại đất rừng này, Nhà nước sẽ giao đất cho:

    + Ban quản lý rừng đặc dụng, tổ chức khoa học và công nghệ, đơn vị vũ trang.

    + Cộng đồng cư dân tại địa phương.

    + Ban quản lý phối hợp với chính quyền lập dự án di dân khỏi khu bảo vệ nghiêm ngặt.

    Hạn mức giao đất rừng sản xuất mới nhất là bao nhiêu?

    Căn cứ theo khoản 3, 4 Điều 176 Luật Đất đai 2024 quy định về hạn mức giao đất rừng sản xuất như sau:

    Hạn mức giao đất nông nghiệp
    3. Hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất:
    a) Đất rừng phòng hộ;
    b) Đất rừng sản xuất là rừng trồng.
    4. Cá nhân được giao nhiều loại đất trong các loại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 ha; trường hợp được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng, không quá 25 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi; trường hợp được giao thêm đất rừng sản xuất là rừng trồng thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 ha.

    Như vậy, đối với đất rừng sản xuất, hạn mức giao đất cho cá nhân trong Luật Đất đai mới nhất là không quá 30ha. Riêng trường hợp cá nhận được giao thêm đất rừng sản xuất là rừng trồng thì hạn mức giao không quá 25ha.

    Các loại đất rừng được quy định tại Luật Đất đai là gì? Hạn mức giao đất rừng sản xuất là bao nhiêu? (Hình từ Internet)

    Điều kiện để hộ gia đình được giao đất rừng sản xuất là rừng trồng là gì?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định về các điều kiện mà hộ giao đình phải đáp ứng để được giao đất rừng sản xuất là đất trồng như sau:

    Việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
    3. Căn cứ xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp:
    a) Đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận;
    b) Có ít nhất một thành viên của hộ gia đình không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội;
    c) Có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng quy định tại Điểm a Khoản này, kể cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh;
    d) Trường hợp giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình theo quy định tại Điều 54 của Luật đất đai, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình thì chỉ căn cứ quy định tại Điểm b Khoản này.

    Theo đó, hộ gia đình được giao đất rừng sản xuất là rừng trồng khi đáp ứng các điều kiện: Hộ gia đình đang sử dụng đất nông nghiệp được giao, cho thuê hoặc công nhận quyền sử dụng; ít nhất một thành viên không thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên, nghỉ hưu, hoặc trợ cấp xã hội; có thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đã sử dụng, kể cả khi không có thu nhập do thiên tai, dịch bệnh, hoặc hỏa hoạn.

    Nếu lấn, chiếm các loại đất rừng thì sẽ có mức phạt hành chính như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lấn, chiếm các loại đất rừng như sau:

    Lấn, chiếm đất
    3. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    e) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

    Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với việc lấn, chiếm đất đai là đất rừng sẽ bị phạt tiền tối thiểu từ 3.000.000 và mức phạt tiền tối đa là 150.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn từ dưới 0,02 ha đến hơn 1 ha.

    Ngoài ra, căn cứ theo khoản 7 của Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì ngoài việc phạt tiền khi lấn, chiếm đất rừng còn phải thực hiện một số biện pháp khắc phục hậu quả có thể kể đến như sau:

    - Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. UBND cấp tỉnh quy định mức độ khôi phục theo từng loại vi phạm.

    - Nộp lại lợi ích bất hợp pháp: Buộc nộp lại lợi nhuận từ hành vi vi phạm và thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

    - Hoàn trả tiền không hợp lệ: Buộc hoàn trả tiền từ việc chuyển nhượng/cho thuê đất không đúng quy định và chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện.

    Lưu ý: Căn cứ Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì mức phạt trên áp dụng đối với hành vi vi phạm tại nông thôn, mức phạt đối với hành vi vi phạm tại đô thị bằng 02 lần mức phạt đối với hành vi vi phạm tại nông thôn.

    13