Các bước trong hoạt động quy hoạch
Nội dung chính
Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Quy hoạch 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019) thì các bước trong hoạt động quy hoạch được quy định như sau:
1. Lập quy hoạch:
a) Lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;
b) Tổ chức lập quy hoạch.
2. Thẩm định quy hoạch.
3. Quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.
4. Công bố quy hoạch.
5. Thực hiện quy hoạch.
Về thời kỳ quy hoạch (Điều 8 Luật này): Thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.
Về chi phí cho hoạt động quy hoạch: Căn cứ vào Điều 9 Luật này thì chi phí cho hoạt động quy hoạch bao gồm:
1. Chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
2. Chi phí đánh giá quy hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Trên đây là nội dung tư vấn về các bước trong hoạt động quy hoạch. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Quy hoạch 2017.
Trân trọng!