Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm gì trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em?

Trách nhiệm của các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em là gì?

Nội dung chính

    Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm gì trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em?

    Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em được quy định tại Điều 49 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em như sau:

    - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em (sau đây gọi là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản) phải có sự tham gia của trẻ em như sau:

    + Bảo đảm để trẻ em được thông tin về nội dung của văn bản đang soạn thảo cần lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức phù hợp được quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật trẻ em;

    + Thuyết minh nội dung của văn bản đang soạn thảo phù hợp với trẻ em để trẻ em hiểu, góp ý kiến, bày tỏ nguyện vọng;

    + Tiếp nhận, xem xét, trả lời ý kiến, nguyện vọng của trẻ em hoặc giải thích, trả lời ý kiến, nguyện vọng của trẻ em không được tiếp thu thông qua một hoặc các hình thức phù hợp được quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật trẻ em.

    - Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không trực tiếp tổ chức việc lấy ý kiến của trẻ em theo quy định tại khoản 1 Điều này thì việc lấy ý kiến trẻ em được thực hiện như sau:

    + Gửi văn bản đang soạn thảo kèm theo nội dung cần lấy ý kiến của trẻ em đến Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để tổ chức lấy ý kiến của trẻ em trước khi cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

    + Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em thông qua Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi cho Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để phản ánh lại với trẻ em.

    - Hồ sơ ban hành theo thẩm quyền hoặc gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, thẩm tra, ban hành của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải có nội dung tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình hướng dẫn, triển khai thực hiện chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nếu nhận được ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến trẻ em thì phải tiếp nhận, xem xét và trả lời trực tiếp cho trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức gửi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

    - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các hoạt động có sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; đình chỉ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động có sự tham gia của trẻ em nếu vi phạm pháp luật hoặc không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

    14