Biên bản phiên họp định giá tài sản trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Biên bản phiên họp định giá tài sản trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 30/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự thì biên bản phiên họp định giá tài sản trong tố tụng hình sự được quy định cụ thể như sau:
- Hội đồng định giá phải lập biên bản phiên họp định giá tài sản. Biên bản phiên họp định giá tài sản phải ghi đầy đủ và trung thực toàn bộ nội dung phiên họp định giá tài sản.
- Biên bản phiên họp định giá tài sản phải có các nội dung chính sau đây:
+ Họ, tên Chủ tịch Hội đồng; các thành viên Hội đồng có mặt tại phiên họp; các thành viên Hội đồng vắng mặt tại phiên họp và lý do vắng mặt (nếu có);
+ Họ, tên những người tham dự phiên họp định giá tài sản;
+ Thời gian, địa điểm tiến hành và hoàn thành phiên họp định giá tài sản;
+ Kết quả khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá;
+ Ý kiến của các thành viên Hội đồng và những người tham dự phiên họp định giá tài sản; ý kiến bằng văn bản của thành viên vắng mặt;
+ Kết quả biểu quyết của Hội đồng định giá về giá của tài sản;
+ Chữ ký các thành viên của Hội đồng có mặt tại phiên họp;
+ Dấu của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc cơ quan của Chủ tịch Hội đồng.
- Đối với định giá tài sản là hàng cấm, ngoài các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều này, Biên bản phiên họp định giá tài sản phải bao gồm những hạn chế về việc áp dụng các căn cứ định giá tài sản đối với hàng cấm; về quá trình thực hiện khảo sát giá; thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá là hàng cấm; về phương pháp định giá tài sản và các hạn chế khác (nếu có) khi định giá tài sản là hàng cấm.
- Biên bản phiên họp định giá tài sản được lập thành ít nhất 03 bản, trong đó 02 bản lưu trong Hồ sơ định giá tài sản và 01 bản gửi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.