Bí thư đảng ủy Chính phủ là ai? Cơ cấu đảng bộ Chính phủ như thế nào?
Nội dung chính
Bí thư đảng ủy Chính phủ là ai? Cơ cấu đảng bộ Chính phủ như thế nào?
Ngày 18/01/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 118-KL/TW năm 2025 về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị 35-CT/TW 2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Trong đó, tiểu mục 2.1 Mục 2 Kết luận 118-KL/TW năm 2025 có quy định về đảng bộ Chính phủ như sau:
2. Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị
2.1. Cơ cấu, số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư của 4 đảng bộ trực thuộc Trung ương
...
(2) Đảng bộ Chính phủ
- Số lượng uỷ viên ban chấp hành không quá 61.
- Số lượng uỷ viên ban thường vụ không quá 17; định hướng cơ cấu gồm các đồng chí: Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ là Bí thư Đảng uỷ; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ là Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ; các Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổng Thanh tra Chính phủ; 2 - 3 phó bí thư đảng uỷ chuyên trách; một số cơ cấu khác do Đảng uỷ Chính phủ đề xuất.
- Số lượng phó bí thư: 1 phó bí thư thường trực đảng uỷ và 2 - 3 phó bí thư đảng uỷ chuyên trách.
...
Căn cứ quy định này, cơ cấu của đảng ủy Chính phủ được xác định như sau:
(1) Bí thư đảng ủy Chính phủ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ;
(2) Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Chính phủ (Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ): Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ;
(3) Các Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổng Thanh tra Chính phủ; 2 - 3 phó bí thư đảng uỷ chuyên trách; một số cơ cấu khác do Đảng uỷ Chính phủ đề xuất.
Như vậy, Bí thư đảng ủy Chính phủ gồm Uỷ viên Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Bí thư đảng ủy Chính phủ là ai? Cơ cấu đảng bộ Chính phủ như thế nào? (Hình từ Internet)
Nội dung cơ bản của nguyên tắc tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 9 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 thì Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:
(1) Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
(2) Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ).
(3) Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
(4) Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
(5) Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
(6) Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.