Bảng lương theo vị trí việc làm sẽ thay đổi như thế nào vào năm 2024 sau cải cách tiền lương?
Nội dung chính
Bảng lương theo vị trí việc làm năm 2024 sau cải cách tiền lương?
Theo Tiểu mục 3 Mục 2 Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 về nội dung cải cách tiền lương thì tiền lương của cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang sau khi cải cách tiền lương sẽ có thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản và các khoản phụ cấp.
Cơ cấu tiền lương mới = Lương cơ bản (70%) + Phụ cấp (30%)
Ngoài ra, bảng lương theo vị trí việc làm sẽ được xây dựng thành 05 bảng lương cụ thể như sau:
[1] Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo;
[2] Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo
[3] 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm:
- Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
- Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an
- Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Bảng lương theo vị trí việc làm sẽ thay đổi như thế nào vào năm 2024 sau cải cách tiền lương? (Hình từ Internet)
Các yếu tố để xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm năm 2024 là gì?
Theo Tiểu mục 3 Mục 2 Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 thì các yếu tố cụ thể để xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm là:
- Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
- Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
- Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
- Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
- Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Mức trích ngân sách để thực hiện cải cách tiền lương như thế nào?
Theo Tiểu mục 4 Mục 3 Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 hướng dẫn về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện cả cách tiền lương như sau:
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
...
4. Quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương
- Thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển kinh tế tư nhân; về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công nhằm phát triển nguồn thu bền vững, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.
- Triển khai các nhiệm vụ cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm tổng nguồn thu và cơ cấu thu bền vững. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu mới. Tăng cường quản lý thu, tạo chuyển biến căn bản trong việc chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế. Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản. Quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
- Hằng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương.
- Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao.
...
Theo đó, để chuẩn bị cho thực hiện cải cách tiền lương thì Nhà nước đã đưa ra giải pháp thực hiện trích ngân sách mỗi năm như sau:
- Khoảng 50% tăng thu dự toán
- Khoảng 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương
- Khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương.