Ai phải bồi thường trong trường hợp con 16 tuổi chạy xe gây tai nạn theo quy định pháp luật hiện hành?

Xin cho tôi hỏi, ai phải bồi thường trong trường hợp con 16 tuổi chạy xe gây tai nạn theo quy định pháp luật hiện hành?

Nội dung chính

    Ai phải bồi thường trong trường hợp con 16 tuổi chạy xe gây tai nạn theo quy định pháp luật hiện hành?

    Con tôi hiện đã 16 tuổi nên tôi có mua cho con một chiếc xe 50cc để chạy đi học cho tiện bởi vì cha mẹ còn phải đi làm không đưa rước được. Nhưng vừa qua, trong lúc lái xe đi chơi, vì trời tối, đường lại không có đèn đường nên nó có gây tai nạn cho một người đi bộ dẫn đến gãy chân. Bây giờ họ yêu cầu vợ chồng tôi phải bồi thường cho họ. Xin cho hỏi, trong trường hợp này chúng tôi phải có bồi thường cho họ không?

    Trả lời:

    Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người nào gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác thì phải bồi thường (đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng).

    Do đó: Trường hợp con trai bạn đã 16 tuổi lái xe máy 50cc gây tai nạn cho người khác dẫn đến người này bị gãy chân, gây thiệt hại cả về sức khỏe lẫn tinh thần của người này, nên có nghĩa vụ phải bồi thường cho họ theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp việc xảy ra tai nạn là do lỗi hoàn toàn của bên người đi bộ).

    Mặt khác, theo quy định tại Điều 586 và Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 thì năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định cụ thể như sau:

    (1) Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường;

    (2) Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu;

    (3) Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại thì:

    + Nếu còn cha, mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

    + Nếu gây thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý thì trường học phải bồi thường thiệt hại.

    (4) Người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

    Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu tài sản đó không đủ để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thì lấy tài sản của cha, mẹ (có thể là che, mẹ ruột hoặc cha, mẹ nuôi) để bồi thường cho người bị thiệt hại.

    Mà theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì con của bạn hiện đã 16 tuổi, trong lúc lái xe máy 50cc đi chơi trong đêm thì có gây tai nạn cho một người đi bộ dẫn đến người này bị gãy chân.

    Do đó: Con của bạn có nghĩa vụ dùng tài sản của mình để bồi thường thiệt hại đã gây ra cho người đi bộ đó, nếu tài sản của con bạn không đủ để bồi thường thì dùng tài sản của vợ chồng bạn để bồi thường cho người đó.

    Mức bồi thường cụ thể do con bạn, vợ chồng bạn và người đó tự thỏa thuận với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được thì có thể nhờ Tòa án giải quyết theo quy định.

    267