07 Căn cứ để thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật
Nội dung chính
- Các trường hợp nào sẽ thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật?
- 07 Căn cứ để thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật
- Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất?
- Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cần áp dụng theo các nguyên tắc nào?
Các trường hợp nào sẽ thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024 về các trường hợp nào sẽ thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật:
- Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bị giải thể, phá sản hoặc bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người nhận thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn sử dụng đất;
- Thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Thu hồi đất trong trường hợp đã bị thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
07 Căn cứ để thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật (Hình từ Internet)
07 Căn cứ để thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 82 Luật Đất đai 2024 về 07 căn cứ để thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 82 Luật Đất đai 2024 sau đây:
(1) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024;
(2) Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024;
(3) Quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024;
(4) Văn bản chấm dứt dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024;
(5) Văn bản thu hồi rừng đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024;
(6) Văn bản trả lại đất của người sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai 2024;
(7) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Đất đai 2024.
Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất?
Căn cứ theo quy định tại Điều 83 Luật Đất đai 2024 về cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất như sau:
Điều 83. Thẩm quyền thu hồi đất và xử lý trường hợp thu hồi đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản công
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật này.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất thuộc trường hợp quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật này không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân đang quản lý, chiếm hữu đất;
b) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật này.
3. Trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật.
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cần áp dụng theo các nguyên tắc nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 91 Luật Đất đai 2024 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
- Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung, sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
- Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.
- Chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự mà bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường thiệt hại; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do Nhà nước thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ.
- Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
- Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.
- Khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 Luật Đất đai 2024 mà phần diện tích còn lại của thửa đất sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về diện tích tối thiểu tại khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai 2024, nếu người sử dụng đất đồng ý thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật.
Kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp thu hồi đất quy định tại khoản này được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư.