05 Loại giấy tờ khi đề nghị cấp giấy phép di dời công trình không thể thiếu
Nội dung chính
Giấy phép di dời công trình có phải là giấy phép xây dựng không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 về giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Theo đó, khi chủ đầu tư có nhu cầu di dời công tình sẽ cần phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để thực hiện.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 như sau:
Điều 89. Đối tượng và các loại giấy phép xây dựng
...
3. Giấy phép xây dựng gồm:
a) Giấy phép xây dựng mới;
b) Giấy phép sửa chữa, cải tạo;
c) Giấy phép di dời công trình;
d) Giấy phép xây dựng có thời hạn.
Như vậy, giấy phép di dời công trình là một loại giấy phép xây dựng.
05 Loại giấy tờ khi đề nghị cấp giấy phép di dời công trình không thể thiếu
Căn cứ theo quy định tại Điều 60 Nghị định 175/2024/NĐ-CP về 05 loại giấy tờ không thể thiếu khi đề nghị cấp giấy phép di dời công trình như sau:
(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình theo Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định 175/2024/NĐ-CP
Tải về đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình tại đây
(2) Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất nơi công trình sẽ di dời đến và giấy tờ hợp pháp về sở hữu công trình theo quy định của pháp luật.
(3) Bản vẽ hoàn công công trình (nếu có) hoặc bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng công trình được di dời, gồm mặt bằng, mặt cắt móng và bản vẽ kết cấu chịu lực chính; bản vẽ tổng mặt bằng địa điểm công trình sẽ được di dời tới; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng tại địa điểm công trình sẽ di dời đến.
(4) Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện.
(5) Phương án di dời do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện gồm:
- Phần thuyết minh về hiện trạng công trình và khu vực công trình sẽ được di dời đến; giải pháp di dời, phương án bố trí sử dụng phương tiện, thiết bị, nhân lực; giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình, người, máy móc, thiết bị và công trình lân cận; bảo đảm vệ sinh môi trường; tiến độ di dời; tổ chức, cá nhân thực hiện di dời công trình;
- Phần bản vẽ biện pháp thi công di dời công trình.
05 Loại giấy tờ khi đề nghị cấp giấy phép di dời công trình không thể thiếu (Hình từ Internet)
Việc di dời công trình xây dựng được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 117 Luật Xây dựng 2014 có cụm từ bị thay thế bởi điểm b khoản 1 Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2025) về di dời công trình xây dựng như sau:
Điều 117. Di dời công trình xây dựng
1. Việc di dời công trình xây dựng từ vị trí này đến vị trí khác phải phù hợp với quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn được duyệt, bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận và bảo đảm giữ nguyên kiến trúc đối với công trình có yêu cầu cần phải bảo tồn.
2. Khi di dời công trình xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình phải có giấy phép di dời công trình xây dựng.
3. Nhà thầu thực hiện di dời công trình xây dựng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an toàn đối với công trình được di dời và các công trình lân cận, bảo vệ môi trường.
Theo đó, việc di dời công trình xây dựng từ vị trí cũ sang vị trí mới phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn đã được phê duyệt. Đồng thời, cần bảo đảm chất lượng công trình, an toàn trong quá trình di dời, không gây ảnh hưởng đến các công trình lân cận và giữ nguyên kiến trúc ban đầu đối với những công trình cần được bảo tồn.
Chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình có trách nhiệm xin giấy phép di dời công trình xây dựng trước khi thực hiện việc di dời.
Nhà thầu thực hiện việc di dời phải áp dụng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an toàn cho chính công trình được di dời cũng như các công trình xung quanh. Ngoài ra, cần tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong suốt quá trình di dời.
Nội dung chủ yếu của giấy phép di dời công trình gồm những nội dung nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Luật Xây dựng 2014 về 10 nội dung chủ yếu trong giấy phép di dời công trình bao gồm:
- Tên công trình thuộc dự án.
- Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.
- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.
- Loại, cấp công trình xây dựng.
- Cốt xây dựng công trình.
- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
- Mật độ xây dựng (nếu có).
- Hệ số sử dụng đất (nếu có).
- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 90 Luật Xây dựng 2014 còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.
- Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.