Nghị định 158/2025 hướng dẫn tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Ngày 25/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 158/2025/NĐ-CP, trong đó có hướng dẫn về các trường hợp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Nội dung chính

Người lao động tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội trong trường hợp nào?

Tại khoản 2, khoản 3 Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì người lao động tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội trong trường hợp sau:

- Bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; trường hợp người lao động được truy lĩnh đủ tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động đóng bù cho thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.

- Các trường hợp khác tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính Phủ.

Nghị định 158/2025 hướng dẫn tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Nghị định 158/2025 hướng dẫn tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Hình từ Internet)

Nghị định 158/2025 hướng dẫn tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Căn cứ Điều 11 Nghị định 158/2025/NĐ-CP thì việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:

(1) Cán bộ, công chức, viên chức đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam, tạm đình chỉ công tác từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện như sau:

- Trong thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công tác từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cán bộ, công chức, viên chức và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Sau thời gian tạm giam, tạm đình chỉ công tác từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng nếu cán bộ, công chức, viên chức được truy lĩnh hưởng đầy đủ 100% tiền lương trong thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công tác thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội bắt buộc cho thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công tác.

Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù của những tháng tạm dừng đóng bằng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Trường hợp sau thời hạn đóng bù chậm nhất, người sử dụng lao động và cán bộ, công chức, viên chức mới đóng bù cho những tháng tạm dừng đóng thì thực hiện theo quy định tại Điều 40 và Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;

- Trường hợp sau thời gian tạm giam, tạm đình chỉ công tác từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng nếu cán bộ, công chức, viên chức không được hưởng đầy đủ 100% tiền lương trong thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công tác thì không thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội bắt buộc cho thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công tác.

(2) Người lao động không thuộc đối tượng quy định tại mục (1) này mà bị tạm đình chỉ công việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện như sau:

- Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Trường hợp sau thời gian tạm đình chỉ công việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng mà người lao động được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội bắt buộc cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù của những tháng tạm dừng đóng bằng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Trường hợp sau thời hạn đóng bù chậm nhất, người sử dụng lao động và người lao động mới đóng bù cho những tháng tạm dừng đóng thì thực hiện theo quy định tại Điều 40 và Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;

- Trường hợp sau thời gian tạm đình chỉ công việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng mà người lao động không được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì không thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội bắt buộc cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

(3) Người lao động quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, khi tạm thời bị mất việc làm trong thời gian thực hiện hợp đồng mà được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài xác nhận thì thời gian này được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Sau thời gian tạm thời mất việc làm nếu người lao động trở lại làm việc thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định, không thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội bắt buộc cho thời gian bị mất việc làm tạm thời.

>> Xem thêm: Hướng dẫn mới nhất về mức tham chiếu bảo hiểm xã hội theo Nghị định 158/2025?

saved-content
unsaved-content
13