Yêu cầu về thiết kế, thi công giếng khoan khai thác nước dưới đất
Nội dung chính
Yêu cầu về thiết kế, thi công giếng khoan khai thác nước dưới đất được quy định tại Điều 5 Thông tư 75/2017/TT-BTNMT về quy định bảo vệ nước dưới đất trong hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, theo đó:
Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất phải thực hiện các quy định tại Điều 4 Thông tư này và các yêu cầu cụ thể sau:
1. Việc thiết kế giếng khoan khai thác nước dưới đất phải do người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất hoặc người phụ trách kỹ thuật của tổ chức, cá nhân tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất thực hiện.
2. Việc thi công giếng khoan khai thác nước dưới đất phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
3. Ống chống, ống lọc lắp đặt tại các giếng khoan khai thác nước dưới đất phải là loại ống chuyên dùng cho giếng khoan khai thác nước dưới đất, bảo đảm các yêu cầu sau: ghi rõ ký hiệu, mã hiệu, tiêu chuẩn và tên nhà sản xuất; có độ dầy và các chỉ tiêu cơ lý, hóa học phù hợp với đặc điểm địa tầng, chiều sâu, đường kính, thời gian sử dụng và đặc tính ăn mòn hóa học của đất, nước tại nơi lắp đặt giếng; bảo đảm sự ổn định của giếng khoan trong suốt thời gian sử dụng.
4. Đối với trường hợp miệng giếng khoan đặt trên bề mặt đất thì miệng ống giếng khoan phải lắp đặt cao hơn bề mặt đất hoặc sàn nhà bơm tối thiểu 0,3m hoặc cao hơn mực nước lũ trung bình hằng năm đối với vùng thường xuyên bị lũ, lụt.
Đối với trường hợp miệng giếng khoan đặt âm dưới bề mặt đất thì hầm chứa máy bơm phải bảo đảm chống thấm để cách ly với các nguồn nước từ trên mặt đất; phần mặt đất trong phạm vi bán kính tối thiểu 1,5m xung quanh miệng giếng khoan phải tôn cao hoặc bằng với bề mặt đất và được gia cố bằng bê tông hoặc xây, trát, láng vữa xi măng để phòng, tránh nước bẩn xâm nhập vào tầng chứa nước thông qua giếng khoan khai thác.
5. Phải có bản vẽ thiết kế cấu trúc giếng khoan và phương án thi công giếng khoan thể hiện được các nội dung sau:
a) Tên chủ giếng và tổ chức, cá nhân thiết kế giếng;
b) Cột địa tầng và mô tả địa tầng, chiều sâu phân bố của từng lớp đất đá tại vị trí khoan giếng; loại, đường kính, chiều dầy, chiều sâu của từng đoạn ống chống, ống lọc; kích thước, vị trí lắp đặt của các bộ định tâm cột ống chống (nếu có);
c) Chiều sâu, chiều dầy, loại và kích thước vật liệu lọc của từng đoạn thu nước;
d) Chiều sâu, chiều dầy, loại vật liệu trám cách ly của từng đoạn xung quanh ống chống giếng khoan. Việc trám cách ly xung quanh ống chống giếng khoan thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều này;
đ) Lưu lượng khai thác và dự kiến độ sâu mực nước tĩnh, mực nước động lớn nhất; sơ đồ lắp đặt thiết bị khai thác và thiết bị quan trắc, giám sát mực nước, lưu lượng khai thác của giếng;
e) Kích thước của phần bê tông bảo vệ miệng giếng khoan và cao độ miệng giếng;
g) Nêu rõ biện pháp thi công các lớp vật liệu lọc, đoạn trám cách ly và cách thức kiểm tra, kiểm soát khi thi công giếng khoan.
6. Việc trám cách ly xung quanh ống chống giếng khoan quy định tại điểm d Khoản 5 Điều này phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Đoạn chiều sâu tối thiểu 05m tính từ bề mặt đất phải trám bằng vữa xi măng;
b) Đoạn chiều sâu tiếp theo đến mái của tầng chứa nước khai thác hoặc đến đỉnh của lớp vật liệu lọc phải trám bằng vữa xi măng hoặc vữa xi măng trộn với sét tự nhiên hoặc bentonit;
c) Ngoài các yêu cầu quy định tại điểm a, b Khoản này, đối với trường hợp đường kính giếng khoan lớn hơn 250mm so với đường kính ngoài lớn nhất của ống chống lắp đặt tại đoạn đó hoặc giếng khoan khai thác có đường kính ống chống nhỏ hơn 60mm và chiều sâu giếng không quá 30m thì được sử dụng vật liệu trám là sét tự nhiên dạng viên có kích thước nhỏ hơn 0,25 lần chiều dầy của lớp trám;
d) Trường hợp giếng khoan khai thác đồng thời từ hai (02) tầng chứa nước không liên tục trở lên thì phải thực hiện trám đoạn chiều sâu nằm giữa các tầng chứa nước theo quy định tại điểm b Khoản này;
đ) Lớp trám phải có độ dầy tối thiểu 30mm đối với trường hợp ống chống có đường kính nhỏ hơn 60mm hoặc có độ dầy tối thiểu 50mm đối với các trường hợp khác.
7. Khi thi công giếng khoan khai thác phải lắp đặt ống chống tạm thời với chiều sâu tối thiểu là 03m tính từ bề mặt đất; miệng ống chống tạm thời cao hơn bề mặt đất xung quanh miệng giếng tối thiểu 0,2m và phải bảo vệ, duy trì trong quá trình thi công giếng khoan.
8. Vật liệu sử dụng để lắp đặt giếng khoan không chứa hóa chất độc hại, vi khuẩn gây bệnh và được bảo quản nơi khô ráo, cách xa các nguồn có khả năng gây ô nhiễm. Trường hợp sử dụng hóa chất để ngâm, rửa giếng khoan thì hóa chất sử dụng phải thuộc danh mục hóa chất được phép sử dụng theo quy định của pháp luật, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Trên đây là tư vấn về yêu cầu về thiết kế, thi công giếng khoan khai thác nước dưới đất. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 75/2017/TT-BTNMT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!