10:54 - 12/11/2024

Ý nghĩa nội dung của tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện được quy định như thế nào?

Tôi có biết ở hầu như các bệnh viện đều dựa vào bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng bệnh viện, theo đó là các mức đánh giá khác nhau. Nhưng tôi không hiểu là nội dung của tiêu chí và 5 mức đánh giá có ý nghĩa gì?

Nội dung chính

    Ý nghĩa nội dung của tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện được quy định như thế nào?

    Tại Quyết định 6858/QĐ-BYT năm 2016 về Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, có quy định ý nghĩa các nội dung của tiêu chí và 5 mức đánh giá chất lượng như sau:

    Mã số tiêu chí

    Mã số tiêu chí: được đánh số theo mã của chương và thứ tự tiêu chí

    Tên tiêu chí: thể hiện nội dung hoạt động hoặc đích cần hướng tới

    Căn cứ đề xuất và ý nghĩa

    ● Cung cấp thông tin tiêu chí bắt nguồn từ những văn bản nào.

    ● Cung cấp thông tin tại sao cần thực hiện tiêu chí này.

    ● Ý nghĩa, tác động với người bệnh, nhân viên y tế và bệnh viện.

     

    Các bậc thang chất lượng

    Mức 1

    1. Đánh giá những hiện tượng vi phạm, sai phạm.

    2. Chưa có hoạt động cụ thể.

    Mức 2

    3. Là những vấn đề tối thiểu, không thể không có với người bệnh.

    4. Là những việc mang tính cấp bách, cần làm hoặc khắc phục ngay.

    5. Là những vấn đề thiết thực, “sát sườn” với người bệnh và nhân viên y tế.

    Mức 3

    6. Đánh giá việc thực hiện đúng các các văn bản quy phạm pháp luật.

    7. Đánh giá việc thực hiện đúng các hướng dẫn của ngành.

    8. Là những tiêu chuẩn cơ bản cần đạt được của chất lượng Việt Nam.

    9. Là những việc cần thực hiện được trong vòng 1, 2 năm đối với tất cả các bệnh viện: không phân biệt Nhà nước - tư nhân, đa khoa - chuyên khoa, tuyến trên - tuyến dưới, hạng cao - hạng thấp.

    Mức 4

    10. Là những việc có thể thực hiện được trong vòng 1, 2 hoặc 3 năm.

    11. Thời gian hoàn thành mức 4 (và 5) phụ thuộc vào quy mô, điều kiện, khả năng, mức độ quan tâm, ý chí lãnh đạo và quyết tâm của tập thể bệnh viện.

    12. Là đích hướng tới trong giai đoạn ngắn hạn (1 đến 3 năm) để bệnh viện phấn đấu, nhằm mục đích cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt hơn cho người bệnh.

    13. Có thể chưa có trong các văn bản nhưng cần thiết phải làm để nâng cao chất lượng bệnh viện.

    Lưu ý: Mức 4 tương tự như “câu hỏi thi dành cho học sinh khá và giỏi”.

    Mức 5

    ● Là những việc khó thực hiện nhưng không phải không thể thực hiện được.

    ● Là những mục tiêu lâu dài cần phấn đấu tích cực, bền bỉ và liên tục trong 2, 3, 5 năm hoặc lâu hơn nữa.

    ● Bộ Y tế không yêu cầu bắt buộc các bệnh viện phải đạt được mức 5.

    ● Hướng tới các tiêu chuẩn cấp quốc tế.

    ● Rất khó thực hiện nếu không học tập, nâng cao kiến thức về quản lý chất lượng, đổi mới quan điểm, tư duy về đánh giá và cải tiến chất lượng.

    ● Giúp sàng lọc, tách biệt, tôn vinh những bệnh viện thực sự có “chất lượng vàng” với bệnh viện chưa đạt chất lượng tốt.

    ● Có thể các việc tương tự đã được thực hiện tại các Bộ, ngành khác hoặc cần phát triển tiến tới xu hướng hội nhập quốc tế.

    ● Giúp bệnh viện nhìn thấy đích cần hướng tới và hình dung được thế nào là một bệnh viện thực sự có chất lượng tốt.

    Lưu ý:

    ● Mức 5 tương tự như “câu hỏi thi dành cho học sinh giỏi xuất sắc”.

    ● Bệnh viện xem xét mức 5 là đích cần hướng tới của một bệnh viện hiện đại, chất lượng cao trong tương lai, tuy nhiên bệnh viện cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách đang còn ở mức 1, 2.

    ● Nếu bệnh viện xem xét khả năng và tự đánh giá có chất lượng tốt, xuất sắc (hoặc 5 sao, cấp quốc tế…) thì cần quan tâm đầu tư, phấn đấu để đạt mức 5.

    Ghi chú

    ● Hướng dẫn phạm vi áp dụng.

    ● Cung cấp tóm tắt thông tin về những khái niệm mới, vấn đề mới.

    ● Giải thích những điều chưa rõ, lưu ý những vấn đề có thể vướng mắc.

    LƯU Ý:

    - Mức 4, 5 được đặt ra với các yêu cầu cao như đích để các bệnh viện hướng tới, không tự nhiên đạt được ngay trong 1, 2 năm.

    - Mức 4, 5 không tự nhiên đạt được nếu không thực hiện đầy đủ 3 nội dung sau:

    a. Không đổi mới quan điểm, tư duy về đánh giá chất lượng bệnh viện;

    b. Không học tập, nâng cao kiến thức, trình độ về quản lý chất lượng;

    c. Không nỗ lực, quyết tâm và đầu tư các nguồn lực cho cải tiến chất lượng.

    Trên đây là nội dung tư vấn.

    Trân trọng!

    6