09:05 - 17/01/2025

Xuất hóa đơn đầu ra nhưng không có hóa đơn đầu vào thì bị xử phạt bao nhiêu?

Hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra là gì? Xuất hóa đơn đầu ra nhưng không có hóa đơn đầu vào thì bị xử phạt bao nhiêu? Quy định về thời điểm lập hóa đơn như thế nào?

Nội dung chính

    Hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra là gì?

    Hiện tại, pháp luật chưa có định nghĩa chính thức về hóa đơn đầu vào và hóa đơn đầu ra. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ có thể hiểu:

    (1) Về hóa đơn đầu vào

    Hóa đơn đầu vào là hóa đơn phát sinh khi doanh nghiệp mua sắm hàng hóa, nguyên vật liệu hoặc sử dụng dịch vụ nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

    Hóa đơn đầu vào thường được doanh nghiệp sử dụng để ghi nhận chi phí phát sinh và khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) nếu đủ điều kiện.

    (2) Về hóa đơn đầu ra

    Hóa đơn đầu ra là hóa đơn do doanh nghiệp phát hành (bên bán), thể hiện các nội dung như: tên hàng hóa/dịch vụ, số lượng, đơn giá, thành tiền và thuế giá trị gia tăng VAT (nếu có). Hóa đơn đầu ra dùng để ghi nhận doanh thu từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.

    Khi doanh nghiệp là bên mua trong giao dịch, hóa đơn nhận được từ bên bán là hóa đơn đầu vào. Ngược lại, khi doanh nghiệp là bên bán, hóa đơn phát hành cho bên mua được gọi là hóa đơn đầu ra. Hóa đơn đầu ra ngoài dùng để ghi nhận doanh thu thì còn làm căn cứ tính thuế đầu ra mà doanh nghiệp phải nộp.

    Như vậy, hóa đơn đầu vào và đầu ra không chỉ phản ánh hoạt động mua bán của doanh nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý thuế và tài chính, giúp đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

    Xuất hóa đơn đầu ra nhưng không có hóa đơn đầu vào thì bị xử phạt bao nhiêu?

    Xuất hóa đơn đầu ra nhưng không có hóa đơn đầu vào thì bị xử phạt bao nhiêu? (Hình từ internet)

    Xuất hóa đơn đầu ra nhưng không có hóa đơn đầu vào thì bị xử phạt bao nhiêu?

    Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì khi bên mua chứng minh được tại thời điểm giao dịch đã có biên bản bàn giao, phiếu nhập kho, hợp đồng mua hàng... nhưng bên bán không xuất hóa đơn đúng thời điểm, bên bán sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hóa đơn như sau:

    Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ
    1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;
    b) Lập hóa đơn liên tục từ số nhỏ đến số lớn nhưng khác quyển (dùng quyển có số thứ tự lớn hơn và chưa dùng quyển có số thứ tự nhỏ hơn) và tổ chức, cá nhân sau khi phát hiện ra đã hủy các quyển hóa đơn có số thứ tự nhỏ hơn;
    c) Lập sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, bên bán và bên mua phát hiện việc lập sai loại hóa đơn và lập lại loại hóa đơn đúng theo quy định trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
    2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
    b) Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
    3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
    4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều này;
    b) Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm b khoản 1 Điều này;
    c) Lập hóa đơn ghi ngày trên hóa đơn trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế;
    d) Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm c khoản 1 Điều này;
    đ) Lập hóa đơn điện tử khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế;
    e) Lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh;
    g) Lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

    ...

    Như vậy, hành vi xuất hóa đơn đầu ra nhưng không có hóa đơn đầu vào thì bị xử phạt như sau:

    (1) Phạt cảnh cáo: Áp dụng trong các trường hợp vi phạm nhẹ, có tình tiết giảm nhẹ

    (2) Vi phạm hành chính về hóa đơn phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

    - Áp dụng trong trường hợp: lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm nghĩa vụ thuế, trừ các trường hợp thuộc phạm vi phạt cảnh cáo.

    (3) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng

    - Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà không thuộc các trường hợp được phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.

    Lưu ý: vi phạm hành chính về hóa đơn với mức phạt nêu trên áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 tổ chức.

    Quy định về thời điểm lập hóa đơn như thế nào?

    Thời điểm lập hóa đơn tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định cụ thể:

    - Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

    - Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

    Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

    - Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

    Quy định về thời điểm lập hóa đơn theo Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP được thiết lập nhằm đảm bảo tính chính xác, minh bạch và phù hợp với thực tế giao dịch kinh tế.

    37
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ