11:11 - 18/12/2024

Xăm hình có được làm cán bộ, công chức không? Quy định về điều kiện để trở thành công chức nhà nước như thế nào?

Xăm hình có được làm cán bộ, công chức không? Điều kiện để trở thành cán bộ, công chức là gì?

Nội dung chính

    Có hình xăm trên cơ thể có được làm công chức Nhà nước không?

    Theo quy định tại Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định những điều mà cán bộ, công chức không được làm như sau:

    Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ
    1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
    2. Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.
    3. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.
    4. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
    Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước
    1. Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
    2. Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
    3. Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề, công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với những người phải áp dụng quy định tại Điều này.
    Những việc khác cán bộ, công chức không được làm
    Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

    Căn cứ những quy định trên, không có quy định xăm hình là việc cán bộ, công chức không được làm. Vì vậy, hình xăm trên cơ thể không ảnh hưởng đến việc lựa chọn làm cán bộ, công chức.

    Xăm hình có được làm cán bộ, công chức không? Quy định về điều kiện để trở thành công chức nhà nước như thế nào?

    Xăm hình có được làm cán bộ, công chức không? Quy định về điều kiện để trở thành công chức nhà nước như thế nào? (Hình từ Internet)

    Làm thế nào để trở thành công chức Nhà nước?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định về công chức như sau:

    Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức
    1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:
    Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”.

    Để trở thành công chức Nhà nước thì công dân Việt Nam phải thông qua một trong hai hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019:

    Phương thức tuyển dụng công chức
    1. Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
    Hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức phải phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong từng ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực.

    Điều kiện để đăng ký tham gia tuyển dụng được quy định tại Điều 4 Nghị định 138/2020/NĐ-CP năm 2020 như sau:

    Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
    Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức. Cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo và báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định.

    Theo đó, để được đăng ký dự tuyển công chức phải đủ các điều kiện sau: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ; các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

    Phương thức thi tuyển công chức:

    Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP năm 2020 đối với phương thức thi tuyển công chức, người ứng tuyển phải thực hiện 2 vòng thi sau:

    - Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung

    Nội dung vòng thi gồm 3 nội dung như sau:

    Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ và các kiến thức khác để đánh giá năng lực. Thời gian thi 60 phút;

    Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Thời gian thi 30 phút; (Trừ trường hợp được miễn thi ngoại ngữ đối với người có bằng tốt nghiệp ngoại ngữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP năm 2020)

    Phần III: Tin học, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút. (Trừ trường hợp được miễn thi tin học đối với người có bằng tốt nghiệp chuyên ngành tin học; công nghệ thông tin theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP năm 2020)

    - Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành

    Nội dung thi của vòng 2 là kiểm tra kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

    Phương thức xét tuyển:

    Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 138/2020/NĐ-CP năm 2020 đối với phương thức xét tuyển công chức như sau:

    Đối tượng xét tuyển công chức:
    1. Việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng sau đây:
    a) Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
    b) Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
    c) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

    2. Việc tuyển dụng đối với nhóm đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

    Phương thức xét tuyển cán bộ, công chức quy định tại Điều 11 Nghị định 138/2020/NĐ-CP năm 2020 được thực hiện theo 2 vòng như sau:

    - Vòng 1

    Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.

    - Vòng 2 dựa trên thang điểm 100.

    Phỏng vấn để kiểm tra về kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;

    Thời gian phỏng vấn 30 phút (thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị trước khi phỏng vấn);

    Bao nhiêu điểm thì trúng tuyển kỳ thi, xét tuyển công chức?

    Kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức quy định tại Điều 9 Nghị định 138/2020/NĐ-CP năm 2020 như sau:

    Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức
    1. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau:
    a) Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên. Trường hợp thi kết hợp phỏng vấn và viết thì người dự thi phải dự thi đủ phỏng vấn và viết;
    b) Có kết quả điểm thi tại vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều 5 Nghị định 138/2020/NĐ-CP năm 2020 cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
    2. Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
    3. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau

    Như vậy, người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải là người tham dự đủ phỏng vấn và thi viết đạt từ 50 điểm trở lên.

    48
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ