Ủy thác kiểm toán là gì? Kiểm toán nhà nước có những quyền hạn gì trong ủy thác kiểm toán?
Nội dung chính
Ủy thác kiểm toán là gì?
Căn cứ Điều 3 Quyết định 1250/QĐ-KTNN năm 2023 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Ủy thác kiểm toán là việc Kiểm toán nhà nước giao cho doanh nghiệp kiểm toán với danh nghĩa của Kiểm toán nhà nước thực hiện toàn bộ cuộc kiểm toán theo các chuẩn mực, quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước hoặc các chuẩn mực, quy trình kiểm toán được Kiểm toán nhà nước chấp nhận.
2. Thuê doanh nghiệp kiểm toán là việc Kiểm toán nhà nước thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán một số nội dung, một số đơn vị được kiểm toán trong Kế hoạch kiểm toán theo các chuẩn mực, quy trình kiểm toán và quy định quản lý, chuyên môn của Kiểm toán nhà nước.
Như vậy, Ủy thác kiểm toán là việc Kiểm toán nhà nước giao cho doanh nghiệp kiểm toán với danh nghĩa của Kiểm toán nhà nước thực hiện toàn bộ cuộc kiểm toán theo các chuẩn mực, quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước hoặc các chuẩn mực, quy trình kiểm toán được Kiểm toán nhà nước chấp nhận.
Ủy thác kiểm toán là gì? Kiểm toán nhà nước có những quyền hạn gì trong ủy thác kiểm toán? (Hình từ Internet)
Kiểm toán nhà nước có những quyền hạn gì trong ủy thác kiểm toán?
Căn cứ khoản 2 Điều 12 Quyết định 1250/QĐ-KTNN năm 2023 quy định kiểm toán nhà nước có những quyền hạn như sau:
(1) Yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời kế hoạch kiểm toán, số liệu, kết luận kiểm toán và các thông tin, tài liệu liên quan đến công việc kiểm toán được ủy thác hoặc thuê kiểm toán.
(2) Yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán thay thế kiểm toán viên hành nghề khi có dấu hiệu cho thấy thành viên đó vi phạm chuẩn mực, quy trình kiểm toán, quy định quản lý chuyên môn hoặc vi phạm các quy định của pháp luật.
(3) Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng ủy thác hoặc thuê kiểm toán; kiểm tra, thẩm định báo cáo kết quả kiểm toán theo quy định tại Hợp đồng ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán.
(4) Yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán giải trình bằng văn bản về những vấn đề được nêu trong dự thảo Kế hoạch kiểm toán, Báo cáo kiểm toán, Biên bản kiểm toán nếu thấy chưa rõ, chưa phù hợp.
(5) Quyết định việc sử dụng số liệu, tài liệu và kết luận, kiến nghị kiểm toán do doanh nghiệp kiểm toán thực hiện.
(6) Yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán bồi thường trong trường hợp doanh nghiệp kiểm toán gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán và cho Kiểm toán nhà nước.
(7) Đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu Doanh nghiệp kiểm toán được ủy thác hoặc thuê kiểm toán vi phạm hợp đồng.
(8) Các quyền khác theo quy định của Hợp đồng ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán và quy định pháp luật có liên quan.
Kiểm toán nhà nước được uỷ thác doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán cho cơ quan, tổ chức nào?
Căn cứ Điều 8 Quyết định 1250/QĐ-KTNN năm 2023 quy định kiểm toán nhà nước được uỷ thác doanh nghiệp kiểm toán thực kiểm toán cho cơ quan, tổ chức sau:
(1) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
(2) Đơn vị sự nghiệp công lập.
(3) Ban Quản lý dự án đầu tư có nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
(4) Doanh nghiệp quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
(5) Đơn vị nhận trợ giá, trợ cấp của Nhà nước, đơn vị có công nợ được Nhà nước bảo lãnh mà không phải là doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
(6) Các cơ quan, tổ chức sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công khác do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.
Hợp đồng uỷ thác kiểm toán phải có những nội dùng gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 11 Quyết định 1250/QĐ-KTNN năm 2023 quy định hợp đồng uỷ thác kiểm toán phải có những nội dung sau:
(1) Tên, địa chỉ của bên ủy thác hoặc thuê kiểm toán và bên được ủy thác hoặc thuê kiểm toán (tên, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, Fax, tài khoản giao dịch, người đại diện...).
(2) Nội dung ủy thác hoặc thuê kiểm toán (mục tiêu, đối tượng, phạm vi, nội dung, thời kỳ kiểm toán, đơn vị được kiểm toán… mà Kiểm toán nhà nước ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán).
(3) Quy định về chuyên môn: Chuẩn mực, quy trình kiểm toán áp dụng; quy định về đạo đức kiểm toán viên, quy định về giám sát hoạt động kiểm toán, quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán...
(4) Trách nhiệm, quyền hạn của các bên.
(5) Kết quả thực hiện hợp đồng (là báo cáo kết quả kiểm toán do doanh nghiệp được ủy thác hoặc thuê kiểm toán thực hiện như: Báo cáo kiểm toán, Biên bản kiểm toán, Biên bản xác nhận số liệu kiểm toán, các tài liệu ghi chép của Kiểm toán viên, bằng chứng kiểm toán,...).
(6) Phí uỷ thác hoặc thuê kiểm toán và phương thức thanh toán.
(7) Cam kết thực hiện và thời hạn hoàn thành; thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng.
(8) Hiệu lực và thời hạn hợp đồng.
(9) Các điều khoản khác (nếu có).