11:25 - 18/12/2024

Từ 16/7/2022, miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa xuất xứ từ nước thành viên Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN có giá trị FOB không quá 200 USD?

Ban tư vấn cho tôi hỏi: Công ty của tôi có hợp tác với một vài doanh nghiệp tại Thái Lan để xuất nhập khẩu đồ ăn đóng hộp và sữa. Trong thời gian sắp tới thì pháp luật có sự thay đổi gì về thực hiện chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa hay không? Tôi xin cảm ơn!

Nội dung chính

    Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thời hạn trong bao lâu theo quy định mới nhất?

    Căn cứ Điều 15 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BCT quy định:

    “Điều 15. Thời hạn hiệu lực của Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
    1. Để chứng nhận xuất xứ của hàng hóa, Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp hoặc kể từ ngày phát hành, và phải được nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn đó.
    2. Trường hợp Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được nộp cho cơ quan hải quan của Nước thành viên nhập khẩu sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đó vẫn được chấp nhận nếu việc không tuân thủ thời hạn nêu trên là do bất khả kháng hoặc do những nguyên nhân chính đáng khác nằm ngoài kiểm soát của Nhà xuất khẩu.
    3. Trong các trường hợp nộp muộn khác, cơ quan hải quan của Nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đó với điều kiện hàng hóa được nhập khẩu trước khi hết thời hạn hiệu lực của Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.”

    Như vậy, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp hoặc phát hành chứng từ.

    Lưu ý: Việc nộp chứng từ chứng nhận hàng hóa phải được thực hiện trong khoảng thời gian chứng từ có hiệu lực. Trường hợp nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau thời gian có hiệu lực của chứng từ vì bất khả kháng hoặc có nguyên nhân chính đáng từ nhà xuất khẩu thì Cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu vẫn có thể chấp nhận.

    Từ ngày 16/7/2022, hàng hóa có giá trị FOB không quá 200 USD có xuất xứ từ nước thành viên Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN sẽ được miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa?

    Từ ngày 16/7/2022, hàng hóa có giá trị FOB không quá 200 USD có xuất xứ từ nước thành viên Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN sẽ được miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa?

    Thực hiện nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định mới nhất?

    Theo Điều 14 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BCT quy định như sau:

    “Điều 14. Nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
    1. Để được hưởng ưu đãi thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu. Nhà nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu C/O mẫu D hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, kèm theo các chứng từ liên quan.
    2. Trong trường hợp C/O mẫu D bị cơ quan hải quan hoặc các cơ quan có liên quan của Nước thành viên nhập khẩu từ chối, C/O đó sẽ được đánh dấu vào ô số 4 và gửi lại cho cơ quan, tổ chức cấp C/O trong một khoảng thời gian hợp lý nhưng không quá 60 ngày. Nước thành viên nhập khẩu phải thông báo cho cơ quan, tổ chức cấp C/O lý do đã từ chối không cho hưởng ưu đãi thuế quan.
    3. Trong trường hợp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị cơ quan hải quan của Nước thành viên nhập khẩu từ chối, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đó được gửi lại cho cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu trong một khoảng thời gian hợp lý nhưng không quá 60 ngày. Nước thành viên nhập khẩu phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu lý do đã từ chối không cho hưởng ưu đãi thuế quan.
    4. Trong trường hợp Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị từ chối theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, Nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận và xem xét các giải trình của cơ quan, tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu và đánh giá Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đó để chấp nhận hay không chấp nhận cho hưởng ưu đãi thuế quan. Giải trình của cơ quan, tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu phải chi tiết và lý giải được những vấn đề mà Nước thành viên nhập khẩu đã đưa ra để từ chối cho hưởng ưu đãi.”

    Theo đó, nhà nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu chứng từ tự chứng nhận hàng hóa kèm các chứng từ liên quan hoặc C/O mẫu D thì mới được hưởng ưu đãi về thuế quan.

    Trường hợp C/O mẫu D bị nước thành viên nhập khẩu từ chối thì được đánh dấu vào ô số 4 và gửi lại cho bên cấp C/O trong vòng 60 ngày.

    Trường hợp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị từ chối thì nước thành viên nhập khẩu gửi lại cho cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu trong vòng 60 ngày.

    Trường hợp miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định mới nhất?

    Căn cứ vào Điều 16 Phục lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BCT quy định như sau:

    “Điều 16. Miễn nộp Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
    Hàng hóa có xuất xứ từ Nước thành viên xuất khẩu có trị giá FOB không quá 200 (hai trăm) đô la Mỹ được miễn nộp Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chỉ cần Nhà xuất khẩu khai báo rằng hàng hóa đó có xuất xứ của Nước thành viên xuất khẩu. Hàng hóa gửi qua đường bưu điện có trị giá FOB không quá 200 (hai trăm) đô la Mỹ cũng được áp dụng quy định này.”

    Như vậy, hàng hóa có xuất xứ từ nước thành viên xuất khẩu nhưng có giá trị FOB thấp hơn 200 USD thì được miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trường hợp hàng hóa gửi bưu điện nhưng có giá trị FOB thấp hơn 200 USD cũng sẽ được miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

    Thông tư 10/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 16/7/2022.

    3