Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý trường hợp nhập khẩu hàng hóa không có giấy phép như thế nào?
Nội dung chính
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép?
Căn cứ vào Điều 18 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 18. Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo hạn ngạch, giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn
1. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu nhưng không có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu hàng hóa; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành mà không có thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 20.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 20.000.000 đồng dưới 30.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền bằng 02 lần mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hàng hóa về đến cửa khẩu người khai hải quan mới nộp hồ sơ hải quan.
3. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; trừ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trong thời hạn nêu tại điểm này;
b) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”
Theo đó, mức xử phạt hành chính sẽ được căn cứ theo từng trường hợp vi phạm theo nội dung của quy định nêu trên.
Mức xử phạt hành chính theo quy định trên được áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức xử phạt hành chính bằng một nửa mức xử phạt của tổ chức.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm thì tổ chức, cá nhân vi phậm còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định trên.
Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý trường hợp nhập khẩu hàng hóa không có giấy phép như thế nào?
Đối tượng nào bị áp dụng quy định xử phạt hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trái phép?
Căn cứ vào Điều 2 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều 27, 28, 29, 30, 31, 32 Nghị định này.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
4. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này gồm:
a) Doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác;
c) Tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
đ) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
e) Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, những đối tượng được nêu trên sẽ là đối tượng áp dụng quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trái phép.
Hướng dẫn của Tổng cục Hải quan xử lý trường hợp nhập khẩu hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép?
Ngày 10/6/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 2159/TCHQ-PC năm 2022 hướng dẫn về việc vướng mắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tại Công văn này, Tổng cục Hải quan đã có ý kiến như sau:
“- Điều 18 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với giấy phép nhập khẩu phải được xác định là hàng hóa không có giấy phép nhập khẩu.
- Căn cứ văn bản giải trình của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Đăk Lăk tại công văn 475/HQĐL-NV, Tổng cục giao Cục Hải quan Đăk Lăk có văn bản trao đổi với Cục Y tế dự phòng về việc không thống nhất giữa văn bản xin cấp phép của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (cơ quan chủ quản của BQL Dự án) và văn bản cấp phép của Cục Y tế dự phòng. Trên cơ sở ý kiến của Cục Y tế dự phòng, Cục Hải quan tỉnh Đăk Lăk giải quyết vụ việc theo thẩm quyền./.”
Như vậy, Tổng cục Hải quan xác định hàng hóa nhập khẩu mà không phù hợp với giấy phép nhập khẩu thì được xác định là hàng hóa không có giấy phép nhập khẩu. Việc xử lý trong trường hợp này được thực hiện theo hướng dẫn nêu trên của Tổng cục Hải quan.