Thứ 6, Ngày 25/10/2024
09:14 - 23/09/2024

Trường hợp nào sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế trong năm 2024 theo quy định?

Mức đóng bảo hiểm y tế đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình là bao nhiêu? Trường hợp nào sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế trong năm 2024 theo quy định?

Nội dung chính

    Mức đóng bảo hiểm y tế đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình là bao nhiêu?

    Tại khoản 3 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định về về mức đóng bảo hiểm y tế như sau:

    Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

    ...

    3. Tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này phải tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau:

    a) Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;

    b) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

    c) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

    4. Chính phủ quy định cụ thể mức đóng, mức hỗ trợ quy định tại Điều này

    Như vậy, mức đóng bảo hiểm y tế đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi quy định như sau:

    - Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;

    - Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

    - Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

    12 trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế 2024? (Hình từ Internet)

    Đối tượng nào được tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình?

    Tại khoản 5 Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được bổ sung bởi khoản 20 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020,như sau:

    Đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

    ...

    5. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, bao gồm:

     

    5.1. Người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 8 Điều này và người đã khai báo tạm vắng.

    5.2. Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 8 Điều này và đối tượng đã tham gia BHYT theo quy định tại điểm 5.1 Điều này.

    5.3. Các đối tượng sau đây được tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình:

    a) Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;

    b) Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

    ...

    Như vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình bao gồm:

    - Toàn bộ người trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, trừ những người thuộc đối tượng sau:

    + Nhóm do người lao động và đơn vị đóng;

    + Nhóm do tổ chức Bảo hiểm xã hội đóng;

    + Nhóm do ngân sách nhà nước đóng;

    + Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng;

    + Nhóm do người sử dụng lao động đóng;

    + Người đã khai báo tạm vắng;

    - Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng sau:

    + Nhóm do người lao động và đơn vị đóng;

    + Nhóm do tổ chức Bảo hiểm xã hội đóng;

    + Nhóm do ngân sách nhà nước đóng;

    + Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng;

    + Nhóm do người sử dụng lao động đóng;

    + Đối tượng đã tham gia BHYT theo hộ gia đình tại nơi đăng ký thường trú

     

    Lưu ý: Ngoài ra, các đối tượng sau đây được tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình:

    - Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;

    - Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

    Trường hợp được công ty đóng bảo hiểm y tế thì có cần tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình nữa không?

    Tại khoản 7 Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được được bổ sung bởi khoản 21 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 có quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, như sau:

    Đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

    ...

    7. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều này.

    ...

    Tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định đối tượng không thuộc diện tham gia BHYT theo hộ gia đình như sau:

    Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

    1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

    a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

    ...

    5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

    Như vậy, trường hợp người lao động đã tham gia bảo hiểm y tế do công ty đóng thì không cần phải đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

    12 trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế 2024?

    Tại Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi và một số điểm bị bãi bỏ khoản 16 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định 12 trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế như sau:

    (1) Chi phí trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế 2008 đã được ngân sách nhà nước chi trả.

    (2) Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.

    (3) Khám sức khỏe.

    (4) Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.

    (5) Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.

    (6) Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.

    (7) Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi.

    (8) Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

    (9) Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.

    (10) Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.

    (11) Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

    (12) Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.