13:35 - 21/09/2024

Trong việc nhận nuôi con nuôi thì Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?

Trong việc nhận nuôi con nuôi thì Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp về bổ trợ tư pháp như thế nào?

Nội dung chính

    Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn về nuôi con nuôi như thế nào?

    Tại Khoản 18 Điều 2 Nghị định 98/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn về nuôi con nuôi như sau:

    - Hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký nuôi con nuôi;

    - Giải quyết các việc về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật;

    - Cấp, gia hạn, sửa đổi, thu hồi Giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài và quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam;

    - Thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của Việt Nam.

    Trong việc nhận nuôi con nuôi thì Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? (Hình từ Internet)

    Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp về bổ trợ tư pháp như thế nào?

    Tại Khoản 19 Điều 2 Nghị định 98/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp về bổ trợ tư pháp như sau:

    - Hướng dẫn, kiểm tra tổ chức và hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, thừa phát lại, quản tài viên; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, thừa phát lại, quản tài viên;

    - Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên, thừa phát lại; cấp, thu hồi thẻ thừa phát lại; cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên, chứng chỉ hành nghề luật sư, Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài; tập hợp, lập và đăng tải danh sách chung về người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; lập, công bố và quản lý danh sách quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong phạm vi cả nước;

    - Cấp, thu hồi Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài, Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài, Giấy phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, Giấy phép thành lập Trung tâm hòa giải thương mại, Giấy phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt nam; có ý kiến về việc thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương;

    - Quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, thừa phát lại, quản tài viên trong phạm vi cả nước;

    - Cấp phép thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư; quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư, nghề công chứng, nghề đấu giá, nghề thừa phát lại.

    Về đăng ký biện pháp bảo đảm Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?

    Tại Khoản 20 Điều 2 Nghị định 98/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

    - Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký, cung cấp thông tin, trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm, đăng ký giao dịch, tài sản khác theo quy định của pháp luật;

    - Quản lý hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung; đăng ký giao dịch, tài sản khác theo quy định của pháp luật;

    - Xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến, cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

     

    2