Trộm cắp tiền phúng điếu thì bị xử phạt như thế nào?
Nội dung chính
Trộm cắp tiền phúng điếu thì bị xử phạt như thế nào?
(1) Tiền phúng điếu là gì?
Pháp luật chưa quy định về tiền phúng điếu. Tuy nhiên, khái niệm này được sử dụng phổ biến trong đời sống.
Tiền phúng điếu được hiểu là số tiền người đi viếng mang đến đám tang để chia buồn với gia đình có người mất, đồng thời thể hiện sự kính trọng của người đi viếng đến tang gia.
(2) Trộm cắp tiền phúng điếu thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định như sau:
Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, người có hành vi trộm cắp tiền phúng điếu thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm (tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội). Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trộm cắp tiền phúng điếu thì bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Thời hiệu thi hành bản án của người trộm tiền phúng điếu là bao lâu?
Căn cứ Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định như sau:
Thời hiệu thi hành bản án
1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
b) 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
c) 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
d) 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
3. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.
4. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
5. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
Theo đó, tùy từng vào tính chất và mức độ vi phạm thì thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án tội trộm cắp tài sản với hành vi trộm tiền phúng điếu là khác nhau, cụ thể:
- 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
- 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
- 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
Tiền phúng điếu có được xem là di sản thừa kế không?
Căn cứ Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Căn cứ Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Bên cạnh đó, tiền phúng điếu là số tiền người đi viếng mang đến đám tang để chia buồn với gia đình có người mất. Vì vậy, tiền phúng điếu không thuộc tài sản của người chết. Số tiền này có được sau thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, tiền phúng điếu không phải là di sản thừa kế và không được dùng để chia thừa kế.