Trợ giúp pháp lý là gì? Người dân tộc thiểu số nào được hưởng trợ giúp pháp lý?
Nội dung chính
Trợ giúp pháp lý là gì?
Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về trợ giúp pháp lý như sau:
Trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Theo đó, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Việc trợ giúp pháp lý phải tuân theo các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.
- Kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
- Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
- Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.
Trợ giúp pháp lý là gì? Người dân tộc thiểu số nào được hưởng trợ giúp pháp lý? (Hình từ Internet)
Người dân tộc thiểu số nào được hưởng trợ giúp pháp lý?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT quy định đối tượng áp dụng:
Đối tượng áp dụng
1. Người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý bao gồm:
a) Người thường xuyên sinh sống (đã đăng ký thường trú, đã đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định của pháp luật.
b) Người không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý bao gồm:
- Người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
Điều kiện để tổ chức luật sư tham gia trợ giúp pháp lý là gì?
Theo điểm a khoản 1 Điều 15 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:
Đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý
1. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình được đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:
a) Tổ chức hành nghề luật sư có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 14 của Luật này;
...
Tại khoản 2 Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:
Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
...
2. Căn cứ yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và có đủ điều kiện sau đây:
a) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này;
b) Là tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức tư vấn pháp luật có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức;
c) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;
d) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật.
...
Theo đó, tổ chức luật sư muốn đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý;
- Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;
- Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật.
Việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại cơ sở được thực hiện như thế nào?
Tại Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT quy định trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại cơ sở được thực hiện như sau:
- Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý về những vấn đề pháp luật mà người dân tộc thiểu số thường có vướng mắc.
- Tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật về các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân tộc thiểu số tại địa phương.
- Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số.
- Lồng ghép hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở với hoạt động xét xử lưu động của Tòa án, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hoạt động tìm hiểu pháp luật, lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại địa phương.
Trân trọng!