11:14 - 14/11/2024

Trình tự, thủ tục tự kiểm tra văn bản về bảo vệ an ninh trật tự được tiến hành ra sao?

Trình tự, thủ tục tự kiểm tra văn bản về bảo vệ an ninh trật tự được quy định như thế nào? Trong quá trình làm việc, khi nghiên cứu về vấn đề soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh trật tự, tôi thắc mắc không biết trình tự, thủ tục tự kiểm tra văn bản trong lĩnh vực này được tiến hành ra sao? Nội dung này được điều chỉnh bởi văn bản nào?

Nội dung chính

    Trình tự, thủ tục tự kiểm tra văn bản về bảo vệ an ninh trật tự được tiến hành ra sao?

    Trình tự, thủ tục tự kiểm tra văn bản về bảo vệ an ninh trật tự được quy định tại Điều 37 Thông tư 66/2011/TT-BCA quy định về xây dựng, ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong Công an nhân dân. Cụ thể như sau:

    1. Gửi và tiếp nhận văn bản để kiểm tra:

    a) Khi phát hành thông tư, thông tư liên tịch do đơn vị mình chủ trì soạn thảo, chậm nhất không quá 3 (ba) ngày làm việc kể từ ngày ban hành văn bản, các tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm gửi Vụ Pháp chế 1 bản để kiểm tra;

    b) Chậm nhất không quá 1 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Văn phòng Bộ có trách nhiệm chuyển đến Vụ Pháp chế để kiểm tra đối với:

    - Thông tư liên tịch mà Bộ Công an là một bên tham gia ký ban hành do các bộ, ngành gửi đến;

    - Thông báo của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản về văn bản do Bộ Công an ban hành có dấu hiệu trái pháp luật hoặc yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân, các cơ quan thông tin đại chúng về văn bản do Bộ Công an ban hành nội dung có chứa quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật.

    c) Sau khi nhận được văn bản gửi đến để kiểm tra, Vụ Pháp chế có trách nhiệm vào “Sổ văn bản đến” và lập hồ sơ quản lý văn bản đến để kiểm tra.

    2. Tổ chức tự kiểm tra văn bản:

    a) Vụ Pháp chế tổ chức kiểm tra văn bản theo các nội dung được quy định tại Điều 34 của Thông tư này.

    Trường hợp phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật hoặc không phù hợp với tình hình thực tế thì Vụ Pháp chế thông báo những nội dung cần thiết cho đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản đó để tiến hành kiểm tra.

    Đối với thông tư liên tịch Bộ Công an tham gia ký ban hành, khi kiểm tra cần tập trung vào những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an, đồng thời phối hợp với đơn vị liên quan để kiểm tra toàn bộ nội dung của văn bản.

    b) Các tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ tự kiểm tra những văn bản quy phạm pháp luật và văn bản nội dung có chứa quy phạm pháp luật do đơn vị mình chủ trì soạn thảo. Khi nhận được thông báo của Vụ Pháp chế về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật thì các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra và gửi báo cáo kết quả kiểm tra (bằng văn bản) về Vụ Pháp chế để tập hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định.

    Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Vụ Pháp chế và đơn vị chủ trì soạn thảo về văn bản được kiểm tra thì đơn vị chủ trì soạn thảo phải có văn bản giải trình cụ thể ý kiến của đơn vị mình gửi Vụ Pháp chế để báo cáo lãnh đạo Bộ.

    3. Báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật:

    a) Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Vụ Pháp chế lập hồ sơ về văn bản có nội dung trái pháp luật để báo cáo Bộ trưởng. Hồ sơ gồm có:

    - Văn bản được kiểm tra;

    - Văn bản làm cơ sở pháp lý để kiểm tra;

    - Báo cáo kết quả kiểm tra văn bản của đơn vị chủ trì soạn thảo, ý kiến bảo lưu (nếu có);

    - Báo cáo của Vụ Pháp chế về nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra và đề xuất hướng xử lý;

    - Các tài liệu liên quan (nếu có).

    b) Bộ trưởng (hoặc Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền) xem xét quyết định việc xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật do Vụ Pháp chế trình. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng có thể yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo trực tiếp trước khi quyết định việc xử lý;

    c) Việc quyết định xử lý văn bản liên tịch mà Bộ Công an là một bên tham gia ký ban hành có nội dung trái pháp luật được tiến hành trên cơ sở thống nhất ý kiến với các cơ quan, tổ chức đã ký văn bản đó.

    4. Thông báo kết quả xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật:

    Kết quả xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật do Bộ Công an ban hành phải được gửi đến các đơn vị liên quan.

    Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trình tự, thủ tục tự kiểm tra văn bản trong lĩnh vực an ninh trật tự. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 66/2011/TT-BCA .

    Trân trọng!

     

    4