Trình Quốc hội đề án metro ở Hà Nội và TPHCM tại kỳ họp vào tháng 2/2025
Nội dung chính
Trình Quốc hội đề án metro ở Hà Nội và TPHCM tại kỳ họp vào tháng 2/2025
Ngày 21/01/2025, Văn phòng chính phủ đã ban hành Thông báo số 24/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc hợp về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (metro) tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông vận tải, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận về án metro ở Hà Nội và TPHCM như sau:
(1) Đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc chuẩn bị nội dung báo cáo về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển đề án metro tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Nghị quyết).
(2) Theo Chương trình, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào ngày 12 tháng 02 năm 2025.
Tiến độ thực hiện là rất gấp, do vậy để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Phó Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp về việc báo cáo Quốc hội cho phép xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình 01 kỳ họp.
(3) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, khẩn trương rà soát các cơ chế chính sách đã có trong Luật Thủ đô, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023, Nghị quyết số 172/2024/QH15 và cập nhật các nội dung đã được quy định tại các Luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV để bổ sung đầy đủ các chính sách nhằm phát huy hiệu quả trong quá trình đầu tư, khai thác đề án metro (phân cấp, phân quyền cho 2 thành phố chủ động tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả, rút ngắn trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp; phát triển không gian ngầm, khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh ga, huy động nguồn vốn, phát triển theo mô hình TOD...); gửi Bộ Giao thông vận tải chậm nhất trong ngày 21 tháng 01 năm 2025.
(4) Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết và đồng thời rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết (Bộ Giao thông vận tải thành lập Tổ công tác để xây dựng dự thảo Nghị quyết, thành phần gồm Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và mời các cơ quan của Quốc hội; chia thành 03 nhóm, gồm:
- Nhóm rà soát các cơ chế chính sách chung;
- Nhóm rà soát cơ chế chính sách áp dụng riêng cho thành phố Hà Nội và nhóm rà soát chính sách áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh).
(5) Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm đánh giá thẩm định về tính khả thi, hiệu quả đối với từng chính sách; cử người tham gia Tổ công tác; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết (kịp thời gửi ý kiến theo đúng thời hạn mà Bộ Giao thông vận tải đề nghị để Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện).
(6) Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải về trình tự, thủ tục, hồ sơ để trình Quốc hội xem xét thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết theo thủ tục rút gọn và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; chủ trì thẩm định các Hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình Quốc hội xem xét bổ sung Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình 01 kỳ họp (kỳ hợp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội).
(7) Về tiến độ trình:
Giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trong ngày 21 tháng 01 năm 2025 có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký nội dung trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển đề án metro tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vào kỳ họp bất thường lần thứ 9 (đầu tháng 2 năm 2025); chịu trách nhiệm xây dựng cụ thể Kế hoạch, tiến độ trình các Hồ sơ bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội (trong đó, chịu trách nhiệm hoàn thiện Hồ sơ theo quy định gửi Bộ Tư pháp trong ngày 23 tháng 01 năm 2025); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình trình Hồ sơ, tiếp thu, giải trình nội dung thẩm tra và trình Quốc hội.
Bộ Tư pháp hoàn thành công tác thẩm định các Hồ sơ theo quy định trong ngày 24 tháng 01 năm 2025, trình Quốc hội xem xét bổ sung xây dựng dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình 01 kỳ họp (trước ngày 03 tháng 02 năm 2025).
Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ trong ngày 25 tháng 01 năm 2025.
Trình Quốc hội đề án metro ở Hà Nội và TPHCM tại kỳ họp vào tháng 2/2025 (Hình từ Internet)
Quy định về bán vé hành khách đi tàu metro như thế nào?
Tại Điều 5 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về bán vé hành khách như sau:
(1) Doanh nghiệp phải tổ chức bán vé tại nhiều địa điểm, nhiều ngày trước thời điểm tàu chạy, nhiều phương thức bán vé tạo điều kiện thuận lợi cho người mua vé.
(2) Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể đề nghị người mua vé cung cấp giấy tờ tùy thân hoặc các giấy tờ khác có đầy đủ các thông tin cá nhân được pháp luật công nhận. Trường hợp mua vé trực tuyến qua mạng thông tin điện tử, người mua vé phải cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định của doanh nghiệp.
(3) Căn cứ vào từng thời điểm cụ thể, từng loại chỗ, từng loại tàu, doanh nghiệp quy định cụ thể việc ghi họ, tên, số giấy hoặc số thẻ lên vé theo một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT.
Nguyên tắc phối hợp đảm bảo an toàn tuyến metro như thế nào?
Căn cứ tại Điều 3 Quyết định 4630/QĐ-UBND 2022 về nguyên tắc phối hợp đảm bảo an toàn tuyến metro như sau:
- Khi xảy ra tai nạn giao thông trong phạm vi tuyến đường sắt đô thị các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác vận hành đường sắt đô thị phải phối hợp các cơ quan chuyên ngành giải quyết bảo đảm an toàn, khôi phục nhanh chóng và kịp thời.
- Phải tổ chức cứu giúp ngay đối với người bị nạn, tổ chức bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người bị nạn.
- Các vụ tai nạn giao thông đường sắt đô thị phải được lập biên bản, thông tin, báo cáo nhanh chóng kịp thời cho các tổ chức cá nhân liên quan theo quy định của Quy chế này.
- Các tổ chức cá nhân có thẩm quyền khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường sắt đô thị phải có trách nhiệm đến ngay hiện trường để giải quyết, không được gây trở ngại cho việc khôi phục giao thông vận tải đường sắt đô thị sau khi xảy ra tai nạn.
- Việc tổ chức khôi phục hoạt động giao thông vận tải đường sắt đô thị không được gây trở ngại cho công tác điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
- Chủ tịch Hội đồng giải quyết tai nạn giao thông đường sắt đô thị được quyền huy động mọi nguồn lực tại chỗ để phục vụ cho công tác cứu chữa, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt đô thị.