06:34 - 05/02/2025

Trẻ em làm hư hiện vật trong bảo tàng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai?

Trẻ em làm hư hiện vật trong bảo tàng thì ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Nội dung chính

    Làm hư hại hiện vật trong bảo tàng thì bị xử lý như thế nào?

    Căn cứ điểm a khoản 6 và điểm e khoản 7 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định như sau:

    Vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa
    6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương;
    7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    e) Làm hư hại nghiêm trọng hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương.

    Căn cứ Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:

    Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
    1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
    a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
    b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
    c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
    d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
    đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
    c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
    d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
    đ) Để che giấu tội phạm khác;
    e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
    g) Tái phạm nguy hiểm.
    3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
    4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
    5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Ngoài ra, trong trường hợp hành vi xâm phạm hiện vật của bảo tàng gây hậu quả lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

    Trẻ em làm hư hiện vật trong bảo tàng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai?

    Trẻ em làm hư hiện vật trong bảo tàng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai? (Hình từ Internet)

    Trẻ em làm hư hiện vật của bảo tàng thì ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

    Căn cứ khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

    Căn cứ Điều 1 Luật trẻ em 2016 quy định thì trẻ em là người dưới 16 tuổi.

    (1) Trường hợp trẻ em còn cha, mẹ hoặc có người giám hộ

    Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
    2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
    Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
    3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

    Theo đó, trẻ em làm hư hiện vật bảo tàng thì tùy từng trường hợp mà cha, mẹ hoặc người giám hộ phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu trẻ em gây thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý thì sẽ có quy định riêng.

    (2) Trường hợp trẻ em gây thiệt hại làm hư hiện vật bảo tàng trong thời gian trường học trực tiếp quản lý

    Căn cứ Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý
    1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
    3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

    Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 11 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP quy định: 

    Về bồi thường thiệt hại do người chưa đủ mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý quy định tại Điều 599 của Bộ luật Dân sự
    1. “Trong thời gian trường học trực tiếp quản lý” quy định tại khoản 1 Điều 599 của Bộ luật Dân sự là trong phạm vi thời gian và không gian mà trường học đã tiếp nhận và có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, dạy dỗ người chưa đủ mười lăm tuổi.

    Như vậy, trong trường hợp trẻ em làm hư hiện vật bảo tàng trong thời gian trường học trực tiếp quản lý thì trường học có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

    Trường hợp trường học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì không phải bồi thường và trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em phải bồi thường.

    Thời hiệu xử phạt người làm hư hiện vật trong bảo tàng là bao lâu?

    Căn cứ Điều 3 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP) quy định như sau:

    Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
    1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo là 01 năm.
    2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo được quy định như sau:
    a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
    b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại điểm b khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
    c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, điểm a và điểm b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

    Theo đó, thời hiệu xử phạt người làm hư hiện vật trong bảo tàng là 01 năm.

    11
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ