15:43 - 09/11/2024

Trẻ em có được ưu tiên khám chữa bệnh không?

Trẻ em có được ưu tiên khám chữa bệnh không? Không ưu tiên khám chữa bệnh cho trẻ em bị xử phạt hành chính như thế nào? Chăm sóc sức khỏe trẻ em được bảo đảm như thế nào?
Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Ngày 26/11 tôi có đưa con gái của tôi (5 tuổi) đến bệnh viện M để cấp cứu. Lúc đến thì không có một y tá hay một bác sĩ nào quan tâm đến con gái tôi cả, bảo bận và hiện tại không thể cấp cứu cho con gái tôi. Cho tôi hỏi là trẻ em có quyền được ưu tiên khám chữa bệnh đúng không? Nếu không ưu tiên khám chữa bệnh cho trẻ em thì bị xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

    1. Trẻ em có được ưu tiên khám chữa bệnh không?

    Tại Điều 14 Luật trẻ em 2016 quy định quyền được chăm sóc sức khỏe như sau:

    Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.

    Theo Điều 3 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:

    1. Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.

    2. Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59 của Luật này.

    3. Kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật

    4. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.

    5. Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.

    6. Tôn trọng, hợp tác và bảo vệ người hành nghề khi làm nhiệm vụ.

    Như vậy, theo quy định trên trẻ em dưới 06 tuổi là được ưu tiên khám chữa bệnh. Con gái bạn năm nay 05 tuổi và đến bệnh viện cấp cứu thì phải được các bác sĩ và y tá ưu tiên. Những bác sĩ và y tá ở Bệnh viện M đã từ chối ưu tiên cấp cứu cho con gái bạn là đang vi phạm pháp luật.

    2. Không ưu tiên khám chữa bệnh cho trẻ em bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Căn cứ Điều 25 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em như sau:

    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Không thực hiện trách nhiệm bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng độ tuổi;

    b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh, tư vấn và hỗ trợ trẻ em trong chăm sóc sức khỏe sinh sấn, sức khỏe tình dục.

    2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Không thực hiện, cản trở phụ nữ mang thai tiếp cận dịch vụ y tế để được tư vấn sàng lọc, phòng ngừa các bệnh tật bẩm sinh cho trẻ em;

    b) Không chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của trẻ em;

    c) Áp dụng phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em;

    d) Không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.

    Tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:

    2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.

    Do đó, theo quy định trên những bác sĩ và y tá tại Bệnh viện M đã không ưu tiên khám chữa bệnh cho con gái của bạn thì mỗi người sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

    3. Chăm sóc sức khỏe trẻ em được bảo đảm như thế nào?

    Theo Điều 43 Luật trẻ em 2016 quy định bảo đảm về chăm sóc sức khỏe trẻ em như sau:

    1. Nhà nước có chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

    2. Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi; chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầu và tiêm chủng cho trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tư vấn và hỗ trợ trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi theo quy định của pháp luật.

    3. Ưu tiên tư vấn, bảo vệ, chăm sóc về sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 36 tháng tuổi và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em bị xâm hại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

    4. Nhà nước có chính sách, biện pháp tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, đặc biệt là tử vong trẻ sơ sinh; xóa bỏ phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.

    5. Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

    6. Nhà nước có chính sách, biện pháp để trẻ em được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh và điều kiện vệ sinh cơ bản, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

    7. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ủng hộ, đầu tư nguồn lực để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

    Trên đây là những bảo đảm về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mà pháp luật quy định.

    Trân trọng!

    219
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ