14:37 - 06/11/2024

Tổ chức thu phí được trích lại số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động trong trường hợp nào?

Tổ chức thu phí được trích lại số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động trong trường hợp nào?

Nội dung chính

    Tổ chức thu phí được trích lại số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động trong trường hợp nào?

    Tổ chức thu phí được trích lại số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động trong trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 216/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự. Cụ thể là:

    Trường hợp tổ chức thu phí thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước thì thực hiện quản lý, sử dụng tiền phí thi hành án dân sự như sau:

    a) Tổ chức thu phí được trích lại 65% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ.

    Đối với trường hợp cơ quan trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thu tiền, tài sản thi hành án: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự thu phí thi hành án dân sự đối với số tiền, tài sản do cơ quan trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thu thì cơ quan thi hành án dân sự chuyển 65% tiền phí thu được vào tài khoản của cơ quan trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã thu tiền, tài sản thi hành án. Số tiền này sử dụng để chi cho các nội dung theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ.

    b) Tổ chức thu phí có trách nhiệm nộp 20% số tiền phí thu được vào tài khoản của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng đối với tổ chức thu phí là cơ quan thi hành án quân khu và tương đương) tại Kho bạc nhà nước. Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) thực hiện điều hòa tiền phí cho các tổ chức thu phí ở những nơi tiền phí thu được không bảo đảm đủ các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ.

    Số tiền phí do tổ chức thu phí nộp vào tài khoản của Tổng cục Thi hành án dân sự (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng đối với tổ chức thu phí là cơ quan thi hành án quân khu và tương đương) được xác định là 100%. Tổng cục Thi hành án dân sự (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) thực hiện việc điều hòa tiền phí thi hành án được phép chi quản lý, điều hòa tiền phí thi hành án (chi văn phòng phẩm, sổ sách kế toán, theo dõi, tổng hợp số liệu phân bổ tiền phí, thông tin liên lạc, tập huấn, chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra, báo cáo và các hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, điều hòa tiền phí thi hành án) và các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ; nhưng số chi hàng năm không quá 35% tổng số tiền phí thi hành án do các đơn vị nộp về.

    Hàng năm, tổ chức thu phí phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

    c) Tổ chức thu phí có trách nhiệm nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

    Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp tổ chức thu phí được trích lại số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Thông tư 216/2016/TT-BTC.

    Trân trọng!

    9