08:23 - 30/09/2024

Tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch năng lượng nguyên tử theo quy định của pháp luật hiện hành như thế nào?

Cho tôi hỏi tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch năng lượng nguyên tử theo quy định của pháp luật hiện hành như thế nào?

Nội dung chính

    Tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch năng lượng nguyên tử theo quy định của pháp luật hiện hành như thế nào?

    Căn cứ Điều 10 Nghị định 41/2019/NĐ-CP quy định về tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch năng lượng nguyên tử như sau:

    - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và phân công cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch.

    - Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch có tối thiểu 11 thành viên. Thành phần Hội đồng thẩm định bao gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên. Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên của Hội đồng bao gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổ chức có liên quan, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

    - Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận công khai, biểu quyết theo đa số. Phiên họp thẩm định được tiến hành khi có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng thẩm định dự họp, trong đó có Chủ tịch Hội đồng thẩm định, đại diện cơ quan thường trực Hội đồng và có mặt đại diện cơ quan lập quy hoạch. Nhiệm vụ lập quy hoạch đủ điều kiện trình phê duyệt khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định dự họp bỏ phiếu đồng ý thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa.

    - Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu tham gia ý kiến, tổ chức họp Hội đồng thẩm định, lập biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định; yêu cầu cơ quan lập quy hoạch chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng lại nhiệm vụ lập quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định; tổ chức thẩm định lại nhiệm vụ lập quy hoạch trong trường hợp nhiệm vụ lập quy hoạch không được thông qua; dự thảo Báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định phê duyệt; được sử dụng kinh phí, bộ máy, phương tiện và con dấu của cơ quan, đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ được giao.

    - Hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch gồm các tài liệu sau đây:

    + Tờ trình;

    + Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;

    + Báo cáo nhiệm vụ lập quy hoạch quy định tại Điều 9 Nghị định này;

    + Tài liệu khác (nếu có).

    - Nội dung thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch:

    + Sự phù hợp của các căn cứ pháp lý;

    + Sự phù hợp, tính khoa học, độ tin cậy của nội dung, phương pháp tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch;

    + Sự tương thích giữa các hợp phần quy hoạch với nội dung quy hoạch cần lập;

    + Sự phù hợp giữa nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch với dự toán chi phí và nguồn vốn để lập quy hoạch;

    + Tính khả thi của kế hoạch lập quy hoạch.

    - Thời gian thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch không quá 30 ngày tính từ ngày cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhận đủ hồ sơ trình thẩm định.

    - Báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch:

    + Báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch phải thể hiện rõ ý kiến của Hội đồng thẩm định về nội dung thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch;

    + Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thẩm định, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định gửi Báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tới cơ quan lập quy hoạch;

    + Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

    2