Tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được mở tài khoản tại ngân hàng nào?
Nội dung chính
Tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được mở tài khoản tại ngân hàng nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 58/2022/NĐ-CP quy định Quyền của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như sau:
Quyền của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
1. Hưởng các quyền lợi, ưu đãi về thuế, nhập khẩu hàng hóa và giấy phép lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam để phục vụ cho mục đích triển khai các chương trình, dự án, phi dự án hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Tiếp nhận ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam qua tài khoản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
5. Được khen thưởng về thành tích thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Tự chấm dứt hoạt động khi không có nhu cầu tiếp tục hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam để phục vụ cho mục đích triển khai các chương trình, dự án, phi dự án hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được mở tài khoản tại ngân hàng nào? (Hình từ Internet)
Tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam có phải thông báo việc mở tài khoản sau khi nhận được Giấy đăng ký không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 58/2022/NĐ-CP quy định Nghĩa vụ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như sau:
Nghĩa vụ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
1. Đăng ký và hoạt động, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Phối hợp với các cơ quan đối tác Việt Nam triển khai hoạt động theo địa bàn và lĩnh vực đăng ký quy định tại Giấy đăng ký.
3. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được Giấy đăng ký, tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông báo về việc mở, sử dụng hoặc thay đổi tài khoản giao dịch tại Việt Nam.
4. Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ khi nhận được Giấy đăng ký được cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông báo về kế hoạch triển khai hoạt động cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức phi chính phủ nước ngoài có hoạt động hoặc có dự kiến hoạt động.
5. Lập báo cáo hoạt động định kỳ hàng năm và đột xuất theo yêu cầu, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến tới Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ có chức năng quản lý nhà nước hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo ngành, lĩnh vực và Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Báo cáo tập theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 18 của tháng cuối kỳ báo cáo. Số liệu báo cáo được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
6. Cập nhật thông tin của tổ chức phi chính phủ nước ngoài lên cơ sở dữ liệu về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát sinh thay đổi.
Như vậy, tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải thông báo về việc sử dụng tài khoản giao dịch tại Việt Nam trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được Giấy đăng ký.
Để được cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 58/2022/NĐ-CP quy định điều kiện cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức phi chính phủ nước ngoài như sau:
Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thành lập.
- Có điều lệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của Việt Nam.
- Có cam kết hoạt động dài hạn tại Việt Nam và thống kê chi tiết các chương trình, dự án sẽ triển khai tại Việt Nam trong ít nhất 05 năm tại một hay nhiều địa phương mà quy mô, tính chất của chương trình, dự án đó đòi hỏi sự điều hành, giám sát thường xuyên, tại chỗ.
- Có đề xuất Trưởng Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Các hành vi bị cấm đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 58/2022/NĐ-CP quy định các hành vi bị cấm đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài gồm các hành vi sau:
(1) Tổ chức, thực hiện, tham gia, tài trợ cho các hoạt động tôn giáo và các hoạt động khác không phù hợp với lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật, xâm phạm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
(2) Tổ chức, thực hiện, tham gia các hoạt động nhằm mục đích thu lợi nhuận, không phục vụ mục đích hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo.
(3) Tài trợ cho các hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền tại nước khác, các tổ chức khủng bố và các hoạt động khủng bố.
(4) Tổ chức, tham gia, tài trợ các hoạt động rửa tiền hoặc liên quan đến rửa tiền.
(5) Tổ chức, tham gia, tài trợ các hoạt động khác trái với đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam.