15:20 - 21/12/2024

Tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng có dịch như thế nào?

Dịch bệnh động vật thủy sản gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho ngành nuôi trồng thủy sản và ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.

Nội dung chính

    Tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng có dịch như thế nào?

    Căn cứ Điều 35 Luật Thú y 2015 quy định tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng có dịch như sau:

    (1) Khi công bố dịch, người có thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật thủy sản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp sau đây:

    - Xác định giới hạn vùng có dịch; đặt biển báo, hướng dẫn việc đi lại, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thủy sản đi qua vùng có dịch;

    - Hạn chế người không có nhiệm vụ vào nơi có động vật thủy sản mắc bệnh hoặc chết do dịch bệnh động vật;

    - Kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thủy sản ra, vào vùng có dịch; phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật thủy sản;

    - Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc nơi nuôi trồng thủy sản, phương tiện, dụng cụ, nước thải và chất thải trong nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

    (2) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức phòng, chống dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Thú y 2015 như sau:

    - Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch huy động nguồn lực của địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt dịch bệnh, ngăn chặn dịch lây lan; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức chống dịch bệnh động vật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch;

    - Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật và triển khai việc hỗ trợ phòng, chống dịch;

    - Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phòng, chống dịch bệnh động vật, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh động vật.

    (3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

    - Chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; huy động nguồn lực tại địa phương để phòng, chống dịch bệnh động vật;

    - Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn;

    - Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ trong phòng, chống dịch bệnh động vật, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục nuôi trồng thủy sản trên địa bàn;

    - Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật;

    - Đề xuất Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật vượt quá khả năng của địa phương;

    - Báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả phòng, chống dịch bệnh động vật và việc thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

    (4) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

    - Chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định;

    - Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn;

    - Thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục nuôi trồng thủy sản trên địa bàn;

    - Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật vượt quá khả năng của địa phương;

    - Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả phòng, chống dịch bệnh động vật và việc thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

    (5) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

    - Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định;

    - Tổ chức giám sát xử lý động vật thủy sản mắc bệnh theo quy định;

    - Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn;

    - Thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục nuôi trồng thủy sản trên địa bàn;

    - Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật vượt quá khả năng của địa phương;

    - Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện kết quả phòng, chống dịch bệnh động vật và việc thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

    (6) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 27 Luật Thú y 2025 như sau:

    - Hướng dẫn cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; tham gia hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch bệnh động vật, điều tra dịch bệnh, đánh giá ổ dịch bệnh động vật;

    - Xác định tác nhân gây bệnh động vật truyền nhiễm đối với trường hợp bệnh mới, bệnh chưa xác định được nguyên nhân.

    - Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, xác định thiệt hại do dịch bệnh gây ra, theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả phòng, chống dịch bệnh động vật và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

    (7) Nhân viên thú y cấp xã có trách nhiệm sau đây:

    - Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật;

    - Xử lý ổ dịch bệnh động vật theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Thú y 2015;

    - Hướng dẫn, tham gia thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan;

    - Lấy mẫu bệnh phẩm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện.

    (8) Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Thú y 2015.

    (9) Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa có động vật mắc bệnh nhưng thuộc vùng có dịch, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập; tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho động vật thủy sản; giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm động vật thủy sản mắc bệnh.

    Tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng có dịch như thế nào?

    Tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng có dịch như thế nào? (Hình từ Internet)

    Công bố dịch bệnh động vật thủy sản như thế nào?

    Căn cứ Điều 34 Luật Thú y 2015 công bố dịch bệnh động vật thủy sản như sau:

    (1) Nguyên tắc, nội dung công bố dịch bệnh động vật thủy sản được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 26 Luật Thú y 2015.

    (2) Công bố dịch bệnh động vật thủy sản khi có đủ các điều kiện sau đây:

    - Có ổ dịch bệnh động vật thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch xảy ra và có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng hoặc phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới;

    - Có kết luận chẩn đoán xác định là bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch hoặc tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới của cơ quan có thẩm quyền chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật;

    - Có văn bản đề nghị công bố dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh.

    (3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc công bố dịch bệnh động vật thủy sản khi có đủ điều kiện công bố dịch quy định tại (2).

    Khi nào mới đủ điều kiện để công bố hết dịch bệnh động vật thủy sản?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 36 Luật Thú y 2015 quy định điều kiện để công bố hết dịch bệnh động vật thủy sản bao gồm:

    - Không phát sinh ổ dịch bệnh động vật mới kể từ khi ổ dịch bệnh động vật cuối cùng được xử lý theo quy định đối với từng bệnh;

    - Đã áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật trong vùng có dịch;

    - Đã thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y đối với vùng có dịch;

    - Có văn bản đề nghị công bố hết dịch bệnh động vật của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh và được Cục Thú y thẩm định, công nhận.

    Lưu ý: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hết dịch bệnh động vật khi có đủ điều kiện trên.

    91
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ