13:55 - 12/11/2024

Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia được quy định như thế nào?

Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia được quy định như thế nào? Và được quy định cụ thể ở đâu?

Nội dung chính

    Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia được quy định như thế nào?

    Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia đã được quy định cụ thể tại Điều 3 Thông tư 24/2015/TT-BGDĐT Quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

    Theo đó, tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia bao gồm:

    1. Tiêu chuẩn 1: Đất đai, cơ sở vật chất và thiết bị

    a) Diện tích đất cơ sở giáo dục đại học được giao ít nhất 25m2/1 sinh viên, diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo ít nhất 3m²/1 sinh viên.

    b) Các hạng mục công trình xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về thiết kế công trình trường đại học hiện hành.

    c) Có đủ các phương tiện, trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học; có cơ sở thực hành và trang thiết bị chuyên biệt theo yêu cầu đảm bảo chất lượng đối với các ngành, chuyên ngành đào tạo đặc thù.

    d) Thư viện và trung tâm thông tin học liệu có đủ giáo trình, sách tham khảo cần thiết cho các chương trình đào tạo; có bản quyền truy cập ít nhất 1 cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế và có ít nhất 1 tạp chí khoa học quốc tế (bản in hay bản điện tử) đối với mỗi ngành đào tạo.

    đ) Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin kết nối tất cả các đơn vị liên quan đảm bảo tính sẵn sàng truy cập thông tin và sử dụng theo phân cấp quản lý của cơ sở giáo dục đại học; trang thông tin điện tử có đầy đủ các thông tin cần phải công khai theo quy định của pháp luật và các thông tin cần thiết khác về cơ cấu tổ chức và các mặt hoạt động của cơ sở giáo dục đại học cho sinh viên và những người quan tâm tra cứu.

    2. Tiêu chuẩn 2: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý

    a) Giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và cán bộ quản lý đáp ứng các tiêu chuẩn của từng vị trí công tác theo quy định của các văn bản pháp luật có liên quan.

    b) Giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 80% khối lượng kiến thức của mỗi chương trình đào tạo.

    c) Tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu xác định theo ngành đào tạo đảm bảo không quá 10 sinh viên/giảng viên đối với nhóm ngành nghệ thuật, thể dục thể thao; 15 sinh viên/giảng viên đối với nhóm ngành y-dược và 20 sinh viên/giảng viên đối với các nhóm ngành khác.

    d) Giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, 25% đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và 10% đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.

    Riêng đối với ngành, chuyên ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu tỷ lệ này không thấp hơn 50%.

    đ) Đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư trong tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 30%.

    3. Tiêu chuẩn 3: Chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo

    a) Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo phù hợp với quy định phân tầng các cơ sở giáo dục đại học và đáp ứng yêu cầu đào tạo, phát triển nhân lực của địa phương và cả nước ở từng giai đoạn cụ thể.

    b) Chương trình đào tạo được cập nhập thường xuyên; các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đều có chương trình đào tạo tham khảo tương ứng của các nước phát triển đã được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận; có khối lượng kiến thức chuyên ngành tương đương với chương trình tham khảo; công khai nội dung các chương trình đào tạo và xuất xứ chương trình tham khảo trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

    c) Công khai chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; có công cụ, phương pháp đánh giá đảm bảo lượng hoá được các tiêu chí của chuẩn đầu ra đã cam kết.

    d) Tổ chức và quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với toàn bộ các chương trình đào tạo theo các hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

    đ) Có ít nhất 10% thời lượng của chương trình đào tạo dành cho hoạt động giảng dạy, báo cáo chuyên đề, tọa đàm chuyên môn, hội thảo với sự tham gia của các giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên có uy tín hoặc kinh nghiệm thực tế ở trong nước hoặc nước ngoài.

    e) Số lượng chương trình đào tạo chất lượng cao, các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã được các tổ chức kiểm định nước ngoài hoặc được cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục của nước đó công nhận và số chương trình có thỏa thuận công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài chiếm ít nhất 10% tổng số chương trình đào tạo (trừ các cơ sở giáo dục đại học đào tạo chủ yếu các ngành đặc thù).

    4. Tiêu chuẩn 4: Hoạt động khoa học và công nghệ và hợp tác quốc tế

    a) Cơ cấu hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ đáp ứng quy định về phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

    b) Mỗi ngành đào tạo có ít nhất 1 nhóm giảng dạy-nghiên cứu đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

    c) Có ít nhất 90% giảng viên cơ hữu thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và có kết quả theo quy định hiện hành đối với các chức danh giảng viên tương ứng.

    d) Có ít nhất 40% học viên cao học và nghiên cứu sinh tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ.

    đ) Dành ít nhất 4% kinh phí từ nguồn thu học phí để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.

    e) Có tổ chức nghiên cứu và phát triển hoặc tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

    g) Có tạp chí khoa học chuyên ngành được xuất bản trực tuyến hoặc bản in.

    h) Công khai khung giám sát, đánh giá chi phí, hiệu quả, tác động, tính bền vững của các đề tài, chương trình, dự án nghiên cứu và triển khai của cơ sở giáo dục đại học.

    i) Có ít nhất 5 chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học của các nước phát triển và 3 chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài.

    5. Tiêu chuẩn 5: Tài chính

    a) Đảm bảo ít nhất 80% chi thường xuyên bằng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (bao gồm cả nguồn ngân sách cấp bù cho các đối tượng sinh viên được miễn học phí theo quy định hiện hành).

    b) Đảm bảo ít nhất 50% chi đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng viên, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác bằng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

    c) Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người học theo quy định hiện hành.

    d) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và kiểm toán.

    đ) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, thuế đối với Nhà nước và các quy định pháp luật về tài chính, kế toán.

    6. Tiêu chuẩn 6: Kiểm định chất lượng giáo dục

    a) Đã được kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và giấy chứng nhận đạt chất lượng còn thời hạn tính đến thời điểm xét công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.

    b) Đã có ít nhất 30% tổng số các chương trình đào tạo được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định của Việt Nam hoặc một tổ chức kiểm định quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

    7. Tiêu chuẩn 7: Kết quả xếp hạng

    Được xếp hạng 1 theo quy định của khung xếp hạng cơ sở giáo dục đại học hiện hành tại thời điểm đề nghị công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia và duy trì trong thời gian chứng nhận đạt chuẩn quốc gia còn hiệu lực.

    8. Tiêu chuẩn 8: Sự hài lòng của sinh viên và của người sử dụng lao động

    Trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến thời điểm cơ sở giáo dục đại học nộp hồ sơ đăng ký công nhận đạt chuẩn quốc gia:

    a) 70% số sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo sau 1 năm kể từ khi tốt nghiệp.

    b) 80% số sinh viên năm cuối hài lòng về chương trình đào tạo và môi trường học tập, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học.

    c) 80% số cựu sinh viên được lấy ý kiến của 3 khoá tốt nghiệp gần nhất hài lòng về tính thực tiễn của chương trình đào tạo, khả năng thích nghi của sinh viên tốt nghiệp với môi trường công tác với số mẫu lấy ý kiến ít nhất là 10% số lượng sinh viên tốt nghiệp và không ít hơn 50 phiếu cho mỗi khoá đào tạo.

    d) 70% người sử dụng lao động được lấy ý kiến có tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trong 3 năm gần nhất hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp với số mẫu lấy ý kiến ít nhất là 10 cho mỗi lĩnh vực đào tạo.

    338
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ