08:56 - 18/12/2024

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải thực hiện chương trình môi trường quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025?

Chào Lawnet, các bạn cho tôi hỏi vấn đề sau: Hiện nay Nhà nước đang triển khai chương trình môi trường quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vậy việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải được thực hiện như thế nào?

Nội dung chính

    Không để tình trạng hệ thống thoát nước bị ứ đọng, ô nhiễm trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025?

    Căn cứ vào tiểu mục 1.1 Mục 1 Phụ lục ban hành kèm theo Công văn 3659/BTNMT-TCMT năm 2022 hướng dẫn một số nội dung thành phần Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như sau:

    - Hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn, gồm: hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải, quan trắc môi trường và công trình bảo vệ môi trường khác.

    + Hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn là một nội dung của Quy hoạch chung cấp huyện, cấp xã, được xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định về quy hoạch hạ tầng nông thôn.

    + Cụm dân cư nông thôn phải có hệ thống thoát nước đồng bộ, nạo vét thường xuyên, đảm bảo không để tình trạng ứ đọng, ô nhiễm.

    + Hệ thống các điểm tập kết, trung chuyển chất thải được phân bố hợp lý, đầu tư hạ tầng và giữ gìn vệ sinh thường xuyên

    + Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã.

    Theo đó, hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn sẽ bao gồm các hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, quan trắc môi trường và công trình bảo vệ môi trường khác.

    Hệ thống thoát nước phải được lắp ở cụm dân cư nông thôn, phải đảm bảo không xảy ra tình trạng ứ đọng, ô nhiễm.

    Hướng dẫn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải thực hiện chương trình môi trường quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025?Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải thực hiện chương trình môi trường quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025? (Hình từ internet)

    Khuyến khích đầu tư và tham gia cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong xây dựng nông thôn mới?

    Căn cứ vào tiểu mục 1.2 Mục 1 Phụ lục ban hành kèm theo Công văn 3659/BTNMT-TCMT năm 2022 hướng dẫn một số nội dung thành phần Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như sau:

    - Thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh:

    + Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

    + Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh ngành, nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải được hướng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Điều 141 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ngoài ra, có thể áp dụngcác quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

    Theo đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thì Nhà nước sẽ khuyến khích và có những ưu đãi dành cho tổ chức, cá nhân đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

    Tập kết và trung chuyển chất thải phải đảm bảo không gây ra mùi hoặc nước rò rĩ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường?

    Căn cứ vào tiểu mục 1.3 Mục 1 Phụ lục ban hành kèm theo Công văn 3659/BTNMT-TCMT năm 2022 hướng dẫn một số nội dung thành phần Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như sau:

    - Đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt:

    + Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau

    + Hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải phải đảm bảo không để rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi, hoặc nước rò rỉ gây ảnh hướng xấu đến môi trường (có tường bao, lót đáy mềm hoặc lót đáy cứng, mái che; các ô lưu chứa phù hợp, hàng rào cây xanh hạn chế phát tán mùi, thường xuyên vệ sinh, phun thuốc diệt côn trùng, khử khuẩn, chế phẩm sinh học và áp dụng các biện pháp tạo dựng cảnh quan thân thiện cho khu vực lưu chứa).

    Theo đó, việc đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo hướng dẫn nêu trên.

    Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong xây dựng nông thôn mới phải có khả năng phân loại chất thải và xử lý mùi?

    Căn cứ vào tiểu mục 1.4 Mục 1 Phụ lục ban hành kèm theo Công văn 3659/BTNMT-TCMT năm 2022 hướng dẫn một số nội dung thành phần Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như sau:

    - Hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần tuân thủ các quy định tại Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong đó, “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vân hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn”.

    - Việc đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải tuân thủ theo các quy định về quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã, huyện và quy định về thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt.

    - Các biện pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng:

    + Có khả năng tiếp nhận, phân loại chất thải, xử lý mùi, nước rỉ rác, khí thải, linh hoạt trong kết hợp các công nghệ khác, xử lý các loại chất thải rắn khác nhau; có khả năng mở rộng công suất, thu hồi năng lượng, xử lý các chất thải thứ cấp; mức độ phù hợp về quy mô xử lý;

    + Mức độ tự động hóa, nội địa hóa của dây chuyền thiết bị; tỷ lệ xử lý, tái sử dụng, tái chế, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; mức độ tiên tiến của công nghệ xử lý; độ bền của thiết bị, dây chuyền công nghệ; xuất xứ của các trang thiết bị;tính đồng bộ của thiết bị trong dây chuyền công nghệ, khả năng sử dụng, thay thế các loại linh kiện, phụ tùng trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của hệ thống công nghệ, thiết bị;

    + Ưu tiên công nghệ đã được ứng dụng thành công, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thiết bị xử lý, tái chế chất thải và phù hợp với điều kiện Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về chuyển giao công nghệ; công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

    Như vậy, các biện pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phải có khả năng tiếp nhận, phân loại chất thải rắn, xử lý mùi, nước rỉ rác.

    122
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ