Tăng mức phạt gấp 20 lần đối với hành vi sử dụng dân quân tự vệ trái phép? Trốn tránh quyết định điều động dân quân tự vệ sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng?
Nội dung chính
Theo quy định hiện hành, hành vi vi phạm quy định về huấn luyện dân quân tự vệ bị xử phạt như thế nào?
Theo Điều 22 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về huấn luyện dân quân tự vệ bị xử phạt như sau:
"Điều 22. Vi phạm quy định về huấn luyện dân quân tự vệ
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí thời gian, không tạo điều kiện cho người có nghĩa vụ tham gia huấn luyện dân quân tự vệ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ sau:
a) Tổ chức huấn luyện không bảo đảm đúng, đủ thời gian theo quy định;
b) Huấn luyện không đúng chương trình, nội dung quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức huấn luyện bù đủ thời gian cho lực lượng dân quân tự vệ và huấn luyện đúng chương trình, nội dung quy định cho lực lượng dân quân tự vệ đối với hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều này."
Như vậy, đối với hành vi vi phạm quy định về huấn luyện dân quân tự về bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng theo quy định hiện hành.
Tăng mức phạt gấp 20 lần đối với hành vi sử dụng dân quân tự vệ trái phép? Trốn tránh quyết định điều động dân quân tự vệ sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng?
Sắp tới, từ ngày 22/7/2022, hành vi vi phạm quy định về huấn luyện dân quân tự vệ bị xử phạt như thế nào?
Theo khoản 23 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Điều 22 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về huấn luyện dân quân tự vệ như sau:
“Điều 22. Vi phạm quy định về huấn luyện dân quân tự vệ
1. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trốn tránh huấn luyện dân quân tự vệ.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc huấn luyện dân quân tự vệ.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chống đối việc huấn luyện dân quân tự vệ.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tham gia huấn luyện dân quân tự vệ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.”.
Theo quy định hiện hành, hành vi vi phạm quy định về thực hiện nhiệm vụ của dân quân tự vệ như thế nào?
Theo Điều 23 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định vi phạm quy định đối với dân quân tự vệ như sau:
"Điều 23. Vi phạm quy định về giả danh dân quân tự vệ nòng cốt, sử dụng dân quân tự vệ, cản trở dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi giả danh dân quân tự vệ nòng cốt.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dân quân tự vệ làm những việc không đúng chức năng, nhiệm vụ.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi cản trở cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này."
Sắp tới, từ ngày 22/7/2022, hành vi vi phạm về thực hiện nhiệm vụ của dân quân tự vệ như thế nào?
Theo khoản 19 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Điều 23 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm thực hiện nhiệm vụ của dân quân tự vệ như sau:
“Điều 23. Vi phạm quy định về thực hiện nhiệm vụ của dân quân tự vệ
1. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trốn tránh quyết định điều động dân quân tự vệ làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cản trở thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động dân quân tự vệ làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;
b) Cản trở dân quân tự vệ làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chống đối thực hiện quyết định điều động dân quân tự vệ làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dân quân tự vệ trái pháp luật.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành quyết định điều động dân quân tự vệ làm nhiệm vụ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này.”.
Như vậy, từ ngày 22/7/2022 bổ sung một số quy định về thực hiện nhiệm vụ của dân quân tự vệ và tăng mức phạt đối với hành vi sử dụng dân quân tự vệ trái pháp luật từ 4 triệu đồng lên đến 75 triệu đồng.
Nhiệm vụ của Dân quân tự vệ được quy định như thế nào?
Theo Điều 5 Luật Dân quân tự vệ quy định về nhiệm vụ của dân quân tự vệ như sau:
- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức.
- Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.
- Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật
Nghị định 37/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 22/07/2022.