10:30 - 30/11/2024

Tải mẫu giấy xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội ở đâu? Thời gian thực hành công tác xã hội là bao lâu?

Tải mẫu giấy xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội ở đâu? Thời gian thực hành công tác xã hội là bao lâu? Nguyên tắc thực hành công tác xã hội bao gồm các nguyên tắc nào?

Nội dung chính

    Tải mẫu giấy xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội ở đâu?

    Mẫu giấy xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội là mẫu số 05 tại Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    >> Mẫu giấy xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội mới nhất: Tải về

    Thời gian thực hành công tác xã hội là bao lâu?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Nghị định 110/2024/NĐ-CP như sau:

    Thực hành công tác xã hội
    1. Người đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội phải tham gia thực hành công tác xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều này, trừ trường hợp đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy phép hành nghề công tác xã hội.
    2. Thực hành công tác xã hội được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
    a) Phù hợp với văn bằng chuyên môn được cấp,
    b) Thực hiện tại các đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội (cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác theo quy định của pháp luật) có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành.
    c) Thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng, trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng, trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng tại cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
    d) Người thực hành phải tuân thủ sự phân công, hướng dẫn của người hướng dẫn thực hành và phải tôn trọng các quyền, nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội.

    Như vậy, thời gian thực hành công tác xã hội được quy định tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, và người thực hành phải thực hiện tại các cơ sở có dịch vụ công tác xã hội phù hợp.

    - Đối với trình độ đại học: Từ đủ 12 tháng;

    - Đối với trình độ cao đẳng: Từ đủ 09 tháng;

    - Đối với trình độ trung cấp: Từ đủ 06 tháng.

    Nguyên tắc thực hành công tác xã hội bao gồm các nguyên tắc nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 35 Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định thì việc thực hành công tác xã hội được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

    - Phù hợp với văn bằng chuyên môn được cấp,

    - Thực hiện tại các đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội (cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác theo quy định của pháp luật) có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành.

    - Thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng, trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng, trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng tại cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

    - Người thực hành phải tuân thủ sự phân công, hướng dẫn của người hướng dẫn thực hành và phải tôn trọng các quyền, nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội.

    Dịch vụ công tác xã hội bao gồm những dịch vụ nào?

    Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 110/2024/NĐ-CP thì dịch vụ công tác xã hội gồm các dịch vụ sau:

    (1) Cung cấp các dịch vụ bảo vệ khẩn cấp

    - Đánh giá nguy cơ rủi ro, nhu cầu của đối tượng; sàng lọc và phân loại đối tượng. Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi đối tượng tới các cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan công an hoặc các cơ quan, tổ chức phù hợp khác.

    - Bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng về chăm sóc y tế, nơi tạm trú an toàn, nước uống, thực phẩm, quần áo, đồ dùng thiết yếu và đi lại.

    (2) Cung cấp các dịch vụ chăm sóc, can thiệp, phục hồi và hỗ trợ phát triển

    - Đánh giá nhu cầu, sàng lọc, phân loại đối tượng; lập hồ sơ quản lý trường hợp.

    - Tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý, phục hồi tâm lý cho đối tượng.

    - Trị liệu rối nhiễu tâm trí, trị liệu sang chấn, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất.

    - Can thiệp, bảo vệ, chăm sóc, phục hồi và hỗ trợ phát triển cho các đối tượng.

    - Xây dựng và thực hiện kế hoạch can thiệp, trợ giúp đối tượng; giám sát và rà soát, đánh giá các hoạt động can thiệp, trợ giúp và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

    - Kết thúc kế hoạch can thiệp hỗ trợ đối tượng, lưu trữ hồ sơ quản lý đối tượng hoặc thực hiện kế hoạch can thiệp, trợ giúp mới (nếu đối tượng có nhu cầu),

    - Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng.

    - Kết nối cung cấp dịch vụ điều trị y tế, chăm sóc sức khỏe; kết nối chuyển gửi đối tượng đến cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội hoặc cơ sở khác nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng.

    - Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, văn hóa, thể thao, tôn giáo và hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe cho đối tượng.

    - Tổ chức dạy văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, tạo sinh kế, việc làm nhằm trợ giúp đối tượng phát triển về thể chất, trí tuệ, nhân cách và hòa nhập cộng đồng.

    - Hỗ trợ đối tượng thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc phù hợp.

    (3) Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực

    - Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội, phát triển khả năng tự giải quyết các vấn đề, giáo dục kỹ năng làm cha mẹ; đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em và người chưa thành niên.

    - Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công tác xã hội cho đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội.

    - Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng có nhu cầu.

    (4) Cung cấp các dịch vụ phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tình trạng xâm hại, lạm dụng; bạo lực học đường, bạo lực giới và gia đình; ngược đãi và bóc lột lao động.

    (5) Thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tư pháp, tòa án, phúc lợi xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật, giảm nghèo, phòng, chống ma túy, phát triển cộng đồng, công tác xã hội với người lao động và lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

    (6) Quản lý trường hợp đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở và ở cộng đồng.

    (7) Hỗ trợ phát triển cộng đồng

    - Liên hệ với người dân, chính quyền các cấp trong việc xác định các vấn đề của cộng đồng để xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp cộng đồng.

    - Đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp công tác xã hội với các cơ quan có thẩm quyền.

    - Xây dựng mạng lưới nhân viên, cộng tác viên, tình nguyện viên công tác xã hội.

    - Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác xã hội.

    (8) Hỗ trợ đối tượng đủ điều kiện ra khỏi cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giam giữ, cơ sở cai nghiện, cơ sở y tế trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

    (9) Tổ chức vận động nguồn lực thực hiện hoạt động công tác xã hội.

    8