Quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn phản ánh trong Công an nhân dân từ ngày 15/6/2022 như thế nào?
Nội dung chính
Quy định về tiếp nhận đơn khiếu nại, đơn kiến nghị trong công an nhân dân?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 19/2022/TT-BCA quy định như sau:
“Điều 5. Tiếp nhận đơn
Đơn được tiếp nhận để phân loại và xử lý từ các nguồn sau đây:
1. Đơn được gửi qua dịch vụ bưu chính; hộp thư góp ý của cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân.
2. Đơn do cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức đến cơ quan Công an để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trực tiếp.
3. Đơn do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, đơn khiếu nại, đơn phản ánh được gửi qua bưu điện hoặc hộp thư góp ý tại cơ quan Công an nhân dân.
Quy định về phân loại đơn khiếu nại, đơn phản ánh trong công an nhân dân?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 19/2022/TT-BCA quy định như sau:
“Điều 6. Căn cứ phân loại đơn
1. Đơn được phân loại không phụ thuộc vào tiêu đề, theo các căn cứ sau:
a) Nội dung trình bày trong đơn;
b) Mục đích, yêu cầu của người viết đơn.
2. Căn cứ vào thẩm quyền giải quyết, cán bộ xử lý đơn báo cáo, đề xuất Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp mình xem xét, xử lý đơn theo đúng quy định của pháp luật.”
Theo đó, đơn khiếu nại, đơn phản ánh sẽ được phân loại dựa vào nội dung đơn và mục đích, yêu cầu của người viết đơn.
Quy định về việc xử lý đơn khiếu nại, đơn phản ánh trong Công an nhân dân sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6/2022?
Công tác xử lý ban đầu đối với đơn khiếu nại, đơn phản ánh trong công an nhân dân?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 19/2022/TT-BCA quy định như sau:
“Điều 7. Xử lý ban đầu
1. Đơn đủ điều kiện xử lý là đơn đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Hình thức đơn: Đơn được viết bằng tiếng Việt; ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn. Trường hợp đơn viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng;
b) Nội dung đơn: Đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; nội dung, lý do khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; yêu cầu của người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh;
c) Các tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh (nếu có).
2. Đơn không đủ điều kiện xử lý bao gồm:
a) Đơn không đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đơn được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết mà cơ quan, đơn vị tiếp nhận đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết;
c) Đơn trùng nội dung đã chuyển đơn hoặc đã được hướng dẫn theo quy định;
d) Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đơn có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo; đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị;
đ) Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.
3. Đơn có nhiều nội dung về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì cán bộ xử lý đơn hướng dẫn người gửi đơn tách riêng từng nội dung để gửi đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình thì đề xuất tách riêng từng nội dung để giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
4. Thời hạn xử lý đơn khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Khiếu nại năm 2011; thời hạn xử lý đơn kiến nghị, phản ánh được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Tiếp công dân năm 2013.”
Đơn đủ điều kiện để cơ quan công an xử lý khiếu nại, phản ánh là đơn đáp ứng điều kiện cả về nội dung lẫn hình thức. Những đơn không đủ điều kiện sẽ không được xử lý.
Quy định về xử lý đơn khiếu nại, phản ánh không thuộc thẩm quyền của công an nhân dân?
Căn cứ Điều 13 Thông tư 19/2022/TT-BCA quy định về xử lý đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh như sau:
“Điều 13. Xử lý đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh
Việc xử lý đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh được thực hiện như sau:
1. Phân loại đơn theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
2. Hướng dẫn người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh gửi đơn, chuyển đơn đến đúng cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết.
3. Trả lại đơn, giấy tờ, tài liệu gốc của người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh (nếu có).
4. Việc hướng dẫn gửi đơn, chuyển đơn được thực hiện bằng văn bản của cấp có thẩm quyền trong Công an nhân dân.
5. Trường hợp tiếp nhận đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh do các cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này thì cán bộ xử lý đơn báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định và có văn bản phúc đáp.”
Theo đó, cơ quan tiếp nhận đơn có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại, phản ánh gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lại đơn, giấy tờ gốc của người khiếu nại, phản ánh.
Trên đây là một số quy định về phân loại, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, đơn phản ánh trong Công an nhân dân.
Thông tư 19/2022/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/6/2022.