11:43 - 03/10/2024

Quy định về tiếp nhận và đăng ký tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến thế nào?

Việc tiếp nhận, đăng ký tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến được quy định như thế nào? Trình, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến như thế nào?

Nội dung chính

    Tiếp nhận, đăng ký tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến

    Căn cứ Điều 4 Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 1326/QĐ-BTP năm 2021 việc tiếp nhận, đăng ký tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến được quy định như sau:

    - Văn thư cơ quan Bộ (sau đây gọi là Văn thư cơ quan), Văn thư đơn vị và các tổ chức thuộc Bộ quy định tại Điều 2 Quy chế này (sau đây gọi chung là văn thư đơn vị) có trách nhiệm tiếp nhận, đăng ký tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến.

    Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến phải đăng ký vào Sổ đăng ký bí mật nhà nước đến theo Mẫu được ban hành kèm theo Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước (sau đây gọi là Thông tư số 24/2020/TT-BCA).

    - Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến có dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì”, sau khi đăng ký vào Sổ phải được chuyển ngay đến người có tên trên phong bì. Trường hợp người có tên trên phong bì đi vắng và trên phong bì có đóng dấu “Hỏa tốc” thì chuyển đến Bộ trưởng (đối với tài liệu gửi đích danh Lãnh đạo Bộ), chuyển đến Thủ trưởng đơn vị (đối với tài liệu gửi đích danh Lãnh đạo, công chức, viên chức của đơn vị) xử lý.

    - Trường hợp Văn thư cơ quan nhận được tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước gửi đến Bộ mà không thực hiện đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, Văn thư cơ quan thông tin ngay cho Chánh Văn phòng Bộ hoặc thông báo cho Lãnh đạo tổ chức, đơn vị, người có tên trên phong bì (đối với trường hợp gửi đích danh) giải quyết, đồng thời thông báo cho cơ quan, đơn vị gửi biết để có biện pháp khắc phục.

    Trường hợp Văn thư đơn vị nhận được tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước gửi đến mà không thực hiện đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, Văn thư đơn vị thông tin ngay cho Thủ trưởng đơn vị hoặc người có tên trên phong bì (đối với trường hợp gửi đích danh) giải quyết, đồng thời thông báo cho cơ quan, đơn vị gửi biết để có biện pháp khắc phục.

    Trường hợp phát hiện tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước gửi đến có dấu hiệu bóc, mở bì hoặc bị tráo đổi, mất, hư hỏng thì người nhận phải báo ngay cho người có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Quy chế này để có biện pháp xử lý.

    Trình, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến

    Căn cứ Điều 5 Quyết định 1326/QĐ-BTP năm 2021 việc trình, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến như sau:

    - Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sau khi được đăng ký, phải trình người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quy chế này để chỉ đạo giải quyết. Việc trình, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đến được thực hiện theo quy định của Bộ về công tác văn thư và khoản 3 Điều 11 Quy chế này.

    - Đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm chuyển lại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước cho Văn phòng Bộ chậm nhất trong ngày làm việc tiếp theo nếu không đúng chức năng, nhiệm vụ giải quyết của đơn vị; không được chuyển trực tiếp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước này cho đơn vị khác.

    - Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước gửi đến có đóng dấu “Tài liệu thu hồi” thì đơn vị, cá nhân nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải gửi lại đúng thời hạn ghi trên tài liệu.

    3