Quy định về nơi xét xử vụ án hình sự?
Nội dung chính
Quy định về nơi xét xử vụ án hình sự?
Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ như sau:
1. Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì tòa án có thẩm quyền xét xử là tòa án nơi kết thúc việc điều tra.
2. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho TAND thành phố Hà Nội hoặc TAND TP HCM xét xử.
Bị cáo phạm tội ở nước ngoài, nếu thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự thì do tòa án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương.
Như vậy, trường hợp bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội ở nhiều nơi khác nhau, thì tòa án có thẩm quyền xét xử là tòa án (cấp huyện hoặc cấp tỉnh) nơi kết thúc việc điều tra.
Toà án nhân dân cấp huyện xét xử vụ án nếu tội phạm mà viện kiển sát truy tố và toà án quyết định đưa ra xét xử là tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện. Toà án nhân dân cấp tỉnh xét xử vụ án nếu tội phạm mà viện kiển sát truy tố và toà án quyết định đưa ra xét xử là tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của toà án nhân dân cấp tỉnh.
Theo quy định tại Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự, toà án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là:
1. Quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân tự vệ phối thuốc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý;
2. Những người không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này mà phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội.
Phần II Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA) quy định như sau:
“Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ quy định tại Điều 171 của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với các Tòa án quân sự được thực hiện như sau:
1. Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp nào xảy ra trên địa bàn có Tòa án quân sự cấp đó thì do Tòa án quân sự cấp đó xét xử. Việc phân định địa bàn trong quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự do Bộ Quốc phòng quy định cụ thể.
2. Trong trường hợp người phạm tội thuộc đơn vị của quân chủng hoặc tổ chức tương đương có tổ chức Tòa án quân sự, thì vụ án do Tòa án quân sự của quân chủng hoặc tổ chức tương đương xét xử không phụ thuộc vào nơi thực hiện tội phạm. Trong trường hợp người phạm tội là những người theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Pháp lệnh mà tội phạm của họ gây thiệt hại trực tiếp cho quân chủng hoặc tổ chức tương đương, thì vụ án cũng do Tòa án quân sự của quân chủng hoặc tổ chức tương đương xét xử.
3. Trong trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm hoặc trong trường hợp có nhiều Tòa án quân sự khác nhau có thẩm quyền xét xử vụ án do trong vụ án có nhiều người phạm tội thuộc nhiều đơn vị khác nhau, hoặc do người phạm tội thực hiện tội phạm ở nhiều nơi, nếu Viện Kiểm sát quân sự truy tố bị can trước Tòa án quân sự nào, thì Tòa án quân sự đó xét xử vụ án.
4. Trường hợp bị cáo là quân nhân phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do Tòa án quân sự quân khu, quân chủng hoặc tương đương xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự Trung ương.”
Như vậy, trường hợp bạn hỏi thuộc người phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự, tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau và nơi kết thúc việc điều tra là ở Hà Nội, do đó tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội.