Quy định về giá điện mới nhất từ ngày 1 tháng 2 năm 2025
Nội dung chính
Quy định về giá điện mới nhất từ ngày 1 tháng 2 năm 2025
Luật Điện lực 2024 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2025. Trong đó, quy định về giá điện có thay đổi. Vậy giá điện mới nhất từ ngày 1 tháng 2 năm 2025 là như thế nào?
(1) Giá điện mới nhất - Giá bán lẻ điện:
- Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện;
- Giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện, bao gồm giá bán lẻ điện giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường. Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tăng dần đối với khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh.
(2) Giá điện mới nhất - Giá bán buôn điện
Giá bán buôn điện theo hợp đồng mua buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận quy định tại điểm e khoản 12 Điều 5 của Luật Điện lực 2024. Theo đó, luật quy định chính sách Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định;
Giá điện mới nhất từ ngày 1 tháng 2 năm 2025 (Hình ảnh từ Internet)
Quy định về thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện với mục đích sinh hoạt
Được quy định tại Điều 48 Luật Điện lực 2024, quy định về thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện với mục đích sinh hoạt gồm:
- Tiền điện được thanh toán theo phương thức thanh toán do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện; bên mua điện chậm trả tiền điện phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả;
- Lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Bên bán điện thu thừa tiền điện phải hoàn trả cho bên mua điện, kể cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa hoặc thỏa thuận với bên mua điện về việc bù trừ tiền điện thu thừa vào các lần thanh toán tiền điện sau;
- Lãi suất thu thừa tiền điện được xác định không vượt quá mức lãi suất theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Bên bán điện ghi chỉ số đo điện năng mỗi tháng 01 lần vào ngày ấn định, trừ trường hợp bất khả kháng có nguy cơ mất an toàn cho người lao động quy định trong hợp đồng mua bán điện. Cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số đo điện năng trước hoặc sau 01 ngày so với ngày ấn định hoặc dịch chuyển theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện
Điều 9 Luật Điện lực 2024 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện như sau:
- Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật Điện lực 2024.
- Trộm cắp điện.
- Trộm cắp phương tiện, trang thiết bị điện.
- Phá hoại phương tiện, trang thiết bị điện, công trình điện lực.
- Sử dụng phương tiện, thiết bị, chất gây cháy, nổ, ăn mòn và hành vi khác làm hư hỏng, gây sự cố công trình điện lực.
- Đóng điện, cắt điện trái quy định của pháp luật.
- Vi phạm quy định về bảo vệ công trình điện lực, an toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
- Trồng cây, khoan, đào, đắp, xây dựng công trình, khai thác khoáng sản, neo đậu tàu, thuyền, xả nước thải, chất ăn mòn, thả điều, vật bay và các hoạt động khác vi phạm quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.
- Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 69 của Luật Điện lực 2024.
- Cung cấp thông tin không chính xác, thiếu minh bạch xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa chữa, cải tạo, khắc phục sự cố đối với công trình điện lực, kiểm tra, giám sát hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Sách nhiễu, gây phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Nhà nước Việt Nam độc quyền những hoạt động nào trong lĩnh vực điện lực? Vì sao?
Những hoạt động độc quyền của nhà nước được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Điện lực 2024.
Chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực
2. Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia:
a) Điều độ hệ thống điện quốc gia;
b) Đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
c) Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.
3. Chính sách phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:
a) Ưu tiên ngân sách nhà nước, kết hợp huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện bảo đảm cung cấp điện an toàn, thường xuyên, tin cậy cho các hộ gia đình và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương;
b) Ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi, hỗ trợ khác đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện, kinh doanh cấp điện cho các hộ gia đình bảo đảm bền vững và hiệu quả.
Như vậy Nhà nước độc quyền một số hoạt động nêu trên là vì mục đích đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.