Hướng dẫn cách cúng Ngọc Hoàng ngày mùng 9 Tết
Nội dung chính
Hướng dẫn cách cúng Ngọc Hoàng ngày mùng 9 Tết
Lễ cúng vía Ngọc Hoàng, còn được biết đến với tên gọi cúng vía Trời mùng 9 Tết, là một nghi thức quan trọng diễn ra vào ngày mùng 9 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Đây là phong tục lâu đời có nguồn gốc từ tín ngưỡng của cộng đồng người Việt gốc Hoa, với ý nghĩa tôn vinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, cầu mong một năm mới bình an, may mắn và nhiều phước lành.
Để buổi lễ diễn ra trang trọng và đúng phong tục, gia chủ cần chú ý đến thời gian, lễ vật và các bước cúng bái. Sau đây là hướng dẫn cách cúng Ngọc Hoàng ngày mùng 9 Tết:
(1) Thời gian cúng
Theo quan niệm dân gian, lễ cúng vía Ngọc Hoàng nên được thực hiện vào giờ Tý (từ 23h đêm đến 1h sáng). Đây là thời điểm bắt đầu một ngày mới, khi mặt trời chưa ló dạng, được xem là khoảng thời gian linh thiêng nhất để dâng lễ lên Ngọc Hoàng, thể hiện sự thành tâm và cầu nguyện những điều tốt lành.
(2) Lễ vật cúng
Mâm cúng Ngọc Hoàng cần được chuẩn bị đầy đủ, trang trọng với những lễ vật mang ý nghĩa dâng kính Ngọc Hoàng. Trong đó, “lục lễ” – sáu lễ vật không thể thiếu bao gồm:
- Hương (nén nhang) – biểu tượng cho lòng thành kính.
- Đăng (đèn cầy) – ánh sáng soi đường, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
- Hoa (bình hoa tươi) – thể hiện sự thanh khiết và trang nghiêm.
- Trà (trà khô) – phải là trà khô, được rót vào 9 chén nhỏ tượng trưng cho sự tôn kính.
- Quả (trái cây tươi) – thường chọn các loại trái cây có màu sắc tươi sáng, tượng trưng cho sự sung túc.
- Phẩm (vật phẩm đặc biệt) – bao gồm bột khoai mì, bột báng kim, nấm đông cô,… Số lượng lễ phẩm nên là số lẻ như 5, 7 hoặc 9 để mang lại may mắn.
Ngoài lục lễ, gia chủ cũng cần chuẩn bị một số lễ vật khác:
- Vàng mã: Bao gồm những thếp tiền vàng và một cặp thùng giấy, trong đó một thùng màu vàng và một thùng màu bạc, tượng trưng cho sự cân bằng âm dương.
- Mía: Thường chọn nguyên cây mía dài, tượng trưng cho sự vững chãi và trường thọ.
- Tháp đường: Là biểu tượng của sự ngọt ngào, hạnh phúc và sung túc trong năm mới.
Việc chuẩn bị đầy đủ và chu đáo các lễ vật không chỉ giúp buổi lễ diễn ra suôn sẻ mà còn thể hiện sự thành tâm của gia chủ trong việc cầu mong bình an, phúc lộc cho cả gia đình trong năm mới.
Hướng dẫn cách cúng Ngọc Hoàng ngày mùng 9 Tết (Hình từ Internet)
Văn khấn cúng Ngọc Hoàng ngày mùng 9 Tết
Sau đây là văn khấn cúng Ngọc Hoàng ngày mùng 9 Tết tham khảo:
Nam mô a di đà phật (3 lần) Con xin cung thỉnh đức vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức vua cha Bát Hải, Đức vua cha Thủy Tề, Hội đồng đức vua cha. Quan nam tào bắc đẩu, tứ đại thiên vương, thiên long hộ pháp. Con xin cung thỉnh Ngũ vị Hoàng tử, ngũ vị Tiên Ông. Con xin cung thỉnh Đức Hoàng Thiên Quốc mẫu, Mộc Công thiên mẫu, Mẫu Bát Hải, Mẫu Thủy tề. Thánh mẫu Cửu trùng thiên. Con xin cung thỉnh Đức phật a di đà dược sư lưu ly quang như lai Phật – con xin cung thỉnh đức Phật thích ca mâu ni, giáo chủ cõi cực lạc sa bà như lai - con xin cung thỉnh Đức Phật mẫu Chuẩn Đề quan thế Âm bồ tát. Con xin cung thỉnh Đức phật Hoàng Trần Nhân Tông, cùng muôn ngàn chư vị Phật, chư vị Bồ tát, các chư vị La hán, các đức Hộ pháp. Con xin cung thỉnh các Vua, các Mẫu, các chầu các quan, Mẫu đệ nhất, Mẫu đệ nhị, Mẫu đệ tam, tam tòa đức Thánh mẫu. Con xin cung thỉnh Tứ phủ chầu bà, Tứ phủ vạn linh, long thiên thánh chúng vị tiền. Con xin cung thỉnh các vị tiên thiên, tiên thánh, tiên thần, Đức thánh Tản Viên Sơn Thần, Đức thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, các thánh cô, thánh cậu, hồn thiêng sông núi. Con xin cung thỉnh các Quan thần linh bản địa, Thần hoàng bản thổ, Thần công thổ địa, Thần tài, Thần quân Táo công muôn vàn chư vị thân linh đang cai quản …(Địa chỉ nhà mình). Con xin cung thỉnh đức thánh tổ dòng họ bố hoặc (Nhà chồng) Bà cô tổ dòng họ…, các cụ tổ tiên hai bên nội ngoại, các hội đồng bà cô, ông mãnh, các vong linh, hương hồn dòng họ……, các cô bé đỏ cậu bé đỏ. Hôm nay ngày ….. tháng ….. năm …... Chúng con: (họ tên chồng, vợ rồi đến các con….) có nén hương, chút lễ mọn với lòng thành kính dâng lên Trời, phật, các cung các cõi linh thiêng. Cầu xin các ngài gia hộ độ trì cho chúng con: Được âm phù, dương trợ, được trên kính, dưới nhường, được bạn bè người thân giúp đỡ, để công việc được thuận buồm xuôi gió. Cho chúng con Nhà cửa yên ấm, bình an, vợ chồng hạnh phúc, các con khỏe mạnh, có tài có lộc, có điều kiện, có phương tiện để làm phúc làm thiện, tích phúc, tích đức, làm rạng danh cho dòng họ, tổ tiên. Lễ mọn lòng thành xin các ngài, các cung các cõi linh thiêng chấp lễ, chấp lời cầu xin thỉnh nguyện của chúng con. Nam mô a di đà phật (3 lần) |
Cúng vía Ngọc Hoàng ngày mùng 9 tết có phải là hoạt động tín ngưỡng không?
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
2. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
....
Theo đó, việc cúng vía Ngọc Hoàng là một hoạt động tín ngưỡng quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt, mang ý nghĩa sâu sắc trong việc cầu nguyện cho sức khỏe, bình an, may mắn và tài lộc trong suốt cả năm.
Mục đích chính của nghi lễ này là giúp con người tìm thấy sự bình an về tinh thần, duy trì đời sống tâm linh lành mạnh và kết nối với các giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.