08:29 - 28/09/2024

Quy định về điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật

Pháp luật hiện hành quy định về điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này?

Nội dung chính

    Quy định về điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật

    Việc điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật được quy định tại Điều 9 Thông tư 14/2014/TT-BTP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật như sau:

    1. Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật được thực hiện theo kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật, khi có những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó xác định mục đích, đối tượng, nội dung, địa bàn, thời gian, cách thức thực hiện điều tra, khảo sát. 

    2. Căn cứ vào nội dung điều tra, khảo sát, cơ quan, đơn vị chủ trì huy động đội ngũ cộng tác viên tham gia điều tra, khảo sát theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này. 

    3. Nội dung điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Điều 1, Điều 2, Điều 3, Điều 4, Điều 5 Thông tư này. 

    4. Đối tượng chủ yếu được điều tra, khảo sát gồm: 

    a) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực được lựa chọn điều tra, khảo sát; 

    b) Tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản pháp luật được lựa chọn điều tra, khảo sát; 

    c) Các chuyên gia, nhà khoa học có am hiểu về lĩnh vực được lựa chọn điều tra, khảo sát. 

    5. Điều tra, khảo sát được thực hiện thông qua phiếu khảo sát, tọa đàm, phỏng vấn trực tiếp và các hình thức phù hợp khác. Các hình thức điều tra, khảo sát có thể được thực hiện độc lập hoặc thực hiện kết hợp, lồng ghép với các hoạt động khác. 

    6. Điều tra, khảo sát thông qua phiếu khảo sát được thực hiện như sau: 

    a) Phiếu khảo sát được thiết kế thành các câu hỏi cụ thể, các phương án trả lời hoặc ý kiến của đối tượng được khảo sát. Nội dung các câu hỏi phải rõ ràng, khách quan, dễ hiểu, dễ trả lời, thể hiện đầy đủ các vấn đề thuộc nội dung điều tra, khảo sát; bảo đảm được mục đích điều tra, khảo sát; phù hợp với đối tượng được hỏi. 

    Phiếu khảo sát có thể do cộng tác viên xây dựng theo mục đích điều tra, khảo sát, được lấy ý kiến góp ý, điều tra thử để hoàn thiện trước khi cơ quan, đơn vị chủ trì điều tra, khảo sát quyết định sử dụng. 

    b) Cơ quan, đơn vị chủ trì điều tra, khảo sát tổ chức tập huấn cho người thực hiện điều tra, khảo sát về kỹ năng thu thập thông tin thông qua phiếu khảo sát. 

    Người thực hiện điều tra, khảo sát phát phiếu khảo sát cho người trả lời phiếu, giải thích mục đích điều tra, khảo sát, nội dung yêu cầu để người trả lời phiếu tự lựa chọn phương án trả lời, bảo đảm khách quan, trung thực. 

    Trước khi thu phiếu khảo sát, người thực hiện điều tra, khảo sát kiểm tra phiếu khảo sát. Trong trường hợp phiếu chưa được trả lời đầy đủ thì yêu cầu người trả lời phiếu trả lời bổ sung. 

    c) Cơ quan, đơn vị chủ trì điều tra, khảo sát phân loại phiếu khảo sát theo đối tượng được hỏi, theo nhóm vấn đề, thống kê kết quả trả lời theo từng nhóm câu hỏi và nhóm đối tượng; đối chiếu kết quả trả lời của các đối tượng khác nhau về cùng nội dung để đưa ra nhận định về sự đánh giá của đối tượng được hỏi đối với nội dung được điều tra, khảo sát. 

    7. Điều tra, khảo sát thông qua tọa đàm được thực hiện như sau: 

    a) Căn cứ kế hoạch điều tra, khảo sát, cơ quan, đơn vị chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức tọa đàm tại địa bàn điều tra, khảo sát để thu thập, tổng hợp thông tin, nhận xét, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật và kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham dự tọa đàm; 

    b) Xây dựng báo cáo kết quả tọa đàm. 

    8. Điều tra, khảo sát thông qua phỏng vấn trực tiếp được thực hiện như sau: 

    a) Cơ quan, đơn vị chủ trì điều tra, khảo sát lựa chọn, phân công và tập huấn kỹ năng phỏng vấn cho người thực hiện điều tra, khảo sát; 

    b) Cơ quan, đơn vị chủ trì điều tra, khảo sát lựa chọn người được phỏng vấn là người am hiểu về lĩnh vực điều tra, khảo sát, người chịu sự tác động trực tiếp của pháp luật trong lĩnh vực điều tra, khảo sát, người trực tiếp tổ chức thực hiện pháp luật trong lĩnh vực điều tra, khảo sát; 

    c) Nội dung phỏng vấn tập trung vào những vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực điều tra, khảo sát; 

    d) Người thực hiện điều tra, khảo sát phải chuẩn bị nội dung, câu hỏi cần trao đổi với người được phỏng vấn và ghi chép đầy đủ, trung thực nội dung cuộc phỏng vấn. 

    9. Trên cơ sở kết quả xử lý phiếu khảo sát, kết quả tọa đàm và phỏng vấn trực tiếp, cơ quan, đơn vị chủ trì điều tra, khảo sát tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo điều tra, khảo sát. Báo cáo điều tra, khảo sát phải có nhận định, đánh giá khách quan về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực và địa bàn tiến hành điều tra, khảo sát; kiến nghị các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. 

    Cơ quan, đơn vị chủ trì điều tra, khảo sát có thể tổ chức tọa đàm, hội thảo để chia sẻ và lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo báo cáo kết quả điều tra, khảo sát.

    Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 14/2014/TT-BTP để nắm rõ quy định này.

    79