Quy định nào cần được tuân thủ khi soạn thảo, in, sao, và chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Y tế?
Nội dung chính
Quy định nào cần được tuân thủ khi soạn thảo, in, sao, và chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Y tế?
Ngày 31/3/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 06/2015/TT-BYT Quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Y tế. Thông tư này quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Y tế từ khâu soạn thảo, in, sao, chụp, gửi, nhận, thu hồi, lưu giữ, thống kê, sử dụng, bảo quản, tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Y tế và áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân công tác trong ngành Y tế.
Theo đó, quy định về soạn thảo, in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Y tế là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 5 Thông tư 06/2015/TT-BYT. Cụ thể như sau:
+ Tổ chức thực hiện việc soạn thảo, in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải tiến hành trong cơ quan, đơn vị, tại nơi an toàn do thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài liệu mật quy định, không mang ra ngoài cơ quan, đơn vị. Khi có yêu cầu, phải soạn thảo trên hệ thống thiết bị đã qua kiểm tra và đủ điều kiện về an toàn, bảo mật. Các đơn vị trong ngành Y tế phải cử cán bộ làm công tác bảo vệ bí mật nhằm theo dõi, quản lý các tin tức, tài liệu mật do cơ quan, đơn vị quản lý;
+ Khi soạn thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước, căn cứ nội dung văn bản cá nhân soạn thảo phải đề xuất với thủ trưởng trực tiếp về mức độ mật theo đúng danh mục bí mật nhà nước trong ngành Y tế; người duyệt ký văn bản chịu trách nhiệm việc xác định mức độ mật, số lượng bản phát hành, phạm vi lưu hành nơi nhận, tên người đánh máy, in, soát, sao, chụp tài liệu;
Với tài liệu mật sao, chụp ở dạng băng, đĩa, phim hoặc bản ghi phải niêm phong và đóng dấu độ mật. Tuyệt đối không đánh máy hoặc in quá số lượng quy định. Sau khi sao, chụp xong phải kiểm tra và hủy bản thảo nếu có. Đối với vật mang bí mật nhà nước phải được niêm phong, có văn bản ghi rõ tên của vật lưu kèm theo và đóng dấu mức độ mật vào văn bản này;
+ Khi tổ chức lấy ý kiến tham gia xây dựng dự thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo phải xác định cụ thể phạm vi, đối tượng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cần xin ý kiến hoặc tham khảo ý kiến, phải đóng dấu xác định mức độ “mật” cần thiết vào dự thảo trước khi gửi xin ý kiến. Cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận được dự thảo phải thực hiện việc quản lý, sử dụng theo đúng độ mật đã ghi trên dự thảo.