15:54 - 09/11/2024

Quy định chung về hoạt động kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không?

Quy định chung về hoạt động kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không? Yêu cầu đối với hoạt động kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không?

Nội dung chính

    1. Quy định chung về hoạt động kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không?

    Căn cứ Điều 106 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT có quy định về hoạt động kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không như sau:

    1. Cục Hàng không Việt Nam thực hiện kiểm tra, đánh giá, thử nghiệm công khai, bí mật, điều tra tại tất cả các cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không, hãng hàng không và các phương tiện, trang bị, thiết bị hoạt động hàng không dân dụng trong cả nước. Cảng vụ hàng không thực hiện giám sát thường xuyên, kiểm tra, thử nghiệm công khai, bí mật, điều tra tại các cảng hàng không, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không và các phương tiện, trang bị, thiết bị hoạt động hàng không dân dụng trong phạm vi quản lý. Người khai thác cảng hàng không, sân bay thực hiện kiểm tra, thử nghiệm công khai, bí mật, điều tra nội bộ tại cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý của mình. Các doanh nghiệp có chương trình, quy chế an ninh hàng không thực hiện kiểm tra, thử nghiệm công khai, bí mật, điều tra nội bộ và đánh giá theo quy định.

    2. Hoạt động giám sát thường xuyên, kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không được thực hiện theo kế hoạch hoạt động kiểm soát chất lượng hàng năm hoặc đột xuất. Không thực hiện thử nghiệm đối với tàu bay đang bay hoặc chuyến bay chuyên cơ.

    3. Kế hoạch hoạt động kiểm soát chất lượng an ninh hàng không hàng năm bao gồm các hoạt động giám sát thường xuyên, kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá được xây dựng căn cứ vào đánh giá rủi ro an ninh hàng không, nguồn lực của cơ quan, đơn vị và phải bảo đảm tính thống nhất không chồng chéo trong toàn ngành, tính bí mật đối với hoạt động thử nghiệm bí mật. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

    a) Hàng năm trước ngày 15 tháng 10, Cảng vụ hàng không xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng an ninh hàng không năm sau, gửi Cục Hàng không Việt Nam;

    b) Hàng năm trước ngày 30 tháng 10, Cục Hàng không Việt Nam ban hành kế hoạch kiểm soát chất lượng an ninh hàng không năm sau của Cục Hàng không Việt Nam và Cảng vụ hàng không, gửi các đơn vị và doanh nghiệp có chương trình, quy chế an ninh hàng không;

    c) Hàng năm trước ngày 30 tháng 11, căn cứ kế hoạch kiểm soát chất lượng an ninh hàng không của Cục Hàng không Việt Nam và Cảng vụ hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không và doanh nghiệp có chương trình, quy chế an ninh hàng không xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm soát chất lượng an ninh hàng không nội bộ, gửi Cục Hàng không Việt Nam và Cảng vụ hàng không để giám sát.

    4. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá và hoạt động điều tra đột xuất do người có thẩm quyền quyết định khi xét thấy cần thiết.

    5. Cục Hàng không Việt Nam ban hành sổ tay kiểm soát chất lượng an ninh hàng không để triển khai thực hiện hiệu quả, thống nhất trong toàn ngành.

    6. Cơ quan, đơn vị quản lý người có hành vi vi phạm, quản lý thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn an ninh hàng không chịu trách nhiệm đình chỉ hoạt động của người vi phạm, thiết bị không bảo đảm tiêu chuẩn theo yêu cầu của trưởng đoàn kiểm tra, thử nghiệm, điều tra.

    7. Thông qua hoạt động giám sát thường xuyên, kiểm tra, thử nghiệm, điều tra an ninh hàng không và dữ liệu trao đổi, báo cáo của các cơ quan, đơn vị, cảng vụ hàng không thực hiện thống kê, tổng hợp, phân tích dữ liệu kiểm soát chất lượng để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu an ninh hàng không theo quy định tại Điều 112 Thông tư này với tần suất 01 tháng 01 lần hoặc khi phát sinh hoạt động kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không.

    2. Yêu cầu đối với hoạt động kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không?

    Theo Điều 107 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT quy định yêu cầu đối với hoạt động kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không như sau:

    1. Yêu cầu đối với hoạt động kiểm tra, đánh giá, thử nghiệm, điều tra của Cục Hàng không Việt Nam và Cảng vụ hàng không:

    a) Có quyết định thành lập đoàn của người có thẩm quyền. Kế hoạch kiểm tra, đánh giá, thử nghiệm, điều tra phải được người ra quyết định thành lập đoàn phê duyệt;

    b) Trưởng đoàn chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá, thử nghiệm, điều tra và báo cáo kết quả thực hiện với người ra quyết định thành lập đoàn chậm nhất 10 ngày làm việc tính từ ngày kết thúc các hoạt động kiểm tra, thử nghiệm, điều tra;

    c) Hoạt động kiểm tra, thử nghiệm an ninh hàng không của Cục Hàng không Việt Nam và các cảng vụ hàng không đối với các doanh nghiệp được thực hiện với tần suất theo quy định tại điểm d, đ khoản này, trừ trường hợp đột xuất;

    d) Kiểm tra đối với người khai thác cảng hàng không, hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không được thực hiện tối thiểu một năm một lần;

    đ) Thử nghiệm đối với người khai thác cảng hàng không được thực hiện tối thiểu một năm một lần; hãng hàng không Việt Nam tối thiểu hai năm một lần.

    2. Yêu cầu đối với hoạt động kiểm tra, thử nghiệm, điều tra, đánh giá của người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không và các doanh nghiệp khác có chương trình, quy chế an ninh hàng không:

    a) Phải có kế hoạch kiểm tra, thử nghiệm, điều tra, đánh giá được người đứng đầu tổ chức bảo đảm an ninh hàng không phê duyệt. Nội dung kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với rủi ro an ninh hàng không;

    b) Hoạt động đánh giá của các hãng hàng không Việt Nam tại các cảng hàng không nước ngoài do hãng hàng không chịu chi phí phải có sự tham gia của Cục Hàng không Việt Nam. Hoạt động đánh giá tại Việt Nam của nhà chức trách, hãng hàng không nước ngoài phải được Cục Hàng không Việt Nam cho phép, sau khi kết thúc đánh giá phải gửi kết quả về Cục Hàng không Việt Nam;

    c) Người khai thác cảng hàng không, sân bay thực hiện kiểm tra và thử nghiệm tối thiểu một quý một lần, trừ trường hợp đột xuất;

    d) Doanh nghiệp có lực lượng kiểm soát an ninh hàng không khác thực hiện kiểm tra và thử nghiệm nội bộ tối thiểu một năm một lần, trừ trường hợp đột xuất.

    3. Cảng vụ hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không và các doanh nghiệp có chương trình, quy chế an ninh hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về kết quả thực hiện công tác kiểm soát chất lượng an ninh hàng không, chi tiết báo cáo như sau:

    a) Tên báo cáo: Báo cáo kết quả thực hiện công tác kiểm soát chất lượng an ninh hàng không;

    b) Nội dung báo cáo: Các nội dung liên quan đến kết quả thực hiện công tác kiểm soát chất lượng an ninh hàng không theo quy định tại Phụ lục XXX ban hành kèm theo Thông tư này;

    c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử, hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;

    d) Tần suất báo cáo: Định kỳ hàng năm;

    đ) Thời hạn gửi báo cáo: Trước ngày ngày 20 tháng 12 hàng năm;

    e) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo;

    g) Mẫu đề cương báo cáo: Theo quy định tại Phụ lục XXX ban hành kèm theo Thông tư này.

    4. Hồ sơ, tài liệu hoạt động kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không phải được quản lý, lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

    Trân trọng!

    159
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ