18:41 - 20/11/2024

Quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội như thế nào?

Quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội như thế nào? Quản lý, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội ra sao? Chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp từ Ban Quản lý dự án đầu tư cấp huyện làm chủ đầu tư sang doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội như thế nào?

Nội dung chính

    1. Quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội như thế nào?

    Tại Điều 14 Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội ban hành theo Quyết định 33/2022/QĐ-UBND Thành phố Hà Nội quy định về quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội như sau:

    1. Các dịch vụ công cộng, tiện ích chung trong cụm công nghiệp gồm: Bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự; thông tin liên lạc; cấp nước, thoát nước; vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải; duy tu, bảo dưỡng, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ tiện ích khác.

    2. Giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích được xác định trên nguyên tắc thỏa thuận thông qua hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp và chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Trường hợp không thỏa thuận được, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật.

    Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích đối với cụm công nghiệp do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư.

    3. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích cụm công nghiệp do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư.

    4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định và thu phí nước thải công nghiệp đối với các cụm công nghiệp theo Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

    5. Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật trong trường hợp chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là Doanh nghiệp có báo cáo không thỏa thuận được giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ trong cụm công nghiệp.

    6. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm tổ chức cung cấp, quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích chung trong cụm công nghiệp; xây dựng, phê duyệt Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, không trái quy định của pháp luật. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định phê duyệt Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện để theo dõi, quản lý.

    7. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có trách nhiệm thảo thuận, ký kết hợp đồng sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích chung trong cụm công nghiệp với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, tiện ích chung đúng mục đích; có trách nhiệm bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, tiện ích chung và thực hiện các nghĩa vụ đầy đủ theo quy định trong hợp đồng đã được ký kết.

    2. Quản lý, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội ra sao?

    Tại Điều 15 Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội ban hành theo Quyết định 33/2022/QĐ-UBND Thành phố Hà Nội quy định về quản lý, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội như sau:

    1. Các nội dung về hoạt động sản xuất kinh doanh cần quản lý, giám sát, đánh giá: Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; tình hình hoạt động của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

    2. Trách nhiệm của các cơ quan:

    a) Sở Công Thương: Theo dõi, cập nhập, tổng hợp về tình hình chung của các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước và hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, xử lý theo thẩm quyền và tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý các hành vi vi phạm; tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất cho Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân Thành phố.

    b) Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra tình hình chấp hành quy định về sử dụng đất, bảo vệ môi trường; xử lý theo thẩm quyền và tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, đất đai.

    c) Sở Xây dựng: Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành thực hiện quy hoạch xây dựng được duyệt, giấy phép xây dựng công trình theo thẩm quyền, phân cấp; xử lý theo thẩm quyền và tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch xây dựng trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện không kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, phân cấp.

    d) Sở Quy hoạch - Kiến trúc: Phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện theo dõi, kiểm tra việc chấp hành về quy hoạch chi tiết xây dựng.

    đ) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, điều tra tai nạn lao động trong các cụm công nghiệp theo quy định hiện hành; cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trong các cụm công nghiệp.

    e) Công an Thành phố: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy của các tổ chức sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; Tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức lập và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có diện tích từ 50 ha trở lên phải lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; Chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với Công an cấp huyện hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy trong quá trình đầu tư xây dựng; Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng thu thập thông tin, số liệu, xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh trật tự; Tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại các đơn vị hoạt động trong cụm công nghiệp.

    g) Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chủ trì theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với cụm công nghiệp, đảm bảo các yêu cầu về mật độ xây dựng, bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy và việc tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng, giấy phép xây dựng công trình được duyệt, xử lý vi phạm theo quy định. Theo dõi, cập nhập về tình hình đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo tuyên truyền, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, giải quyết tranh chấp lao động, đình công trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Công Thương; xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định trong trường hợp vượt thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn quản lý, bao gồm cả các công trình xây dựng trong các cụm công nghiệp.

    h) Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: Triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo đúng quy định tại Quyết định thành lập, quy hoạch chi tiết xây dựng và giấy phép xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Xúc tiến đầu tư, hướng dẫn thủ tục triển khai các dự án đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp; Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường theo quy định, không được mở rộng cụm công nghiệp, tiếp nhận thêm dự án đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp trong trường hợp cụm công nghiệp chưa có công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; nộp các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định; bố trí ít nhất 01 cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành: Quản lý môi trường; khoa học, công nghệ, kỹ thuật môi trường; hóa học; sinh học và được tập huấn định kỳ hàng năm về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; Chịu trách nhiệm hướng dẫn, quản lý, giám sát các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy định hiện hành về hoạt động xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng và hoạt động; Tổng hợp, báo cáo kết quả quan trắc môi trường, công tác bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, các cơ sở trong cụm công nghiệp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Đối với cụm công nghiệp có diện tích từ 50 ha trở lên phải tổ chức thành lập Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

    i) Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp: Sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy định hiện hành về hoạt động xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng và hoạt động. Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động; Tham gia tích cực vào việc thu hút lao động, giải quyết việc làm tại địa phương, lập kế hoạch tuyển dụng lao động hàng năm và 05 (năm) năm đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

    3. Chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp từ Ban Quản lý dự án đầu tư cấp huyện làm chủ đầu tư sang doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội như thế nào?

    Tại Điều 16 Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội ban hành theo Quyết định 33/2022/QĐ-UBND Thành phố Hà Nội quy định về chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp từ Ban Quản lý dự án đầu tư cấp huyện làm chủ đầu tư sang doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội như sau:

    1. Đối với các cụm công nghiệp được thành lập trước khi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP có hiệu lực mà chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện thì chủ đầu tư phải xây dựng và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng phương án hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp, bổ sung, cải tạo, nâng cấp các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn thiếu hoặc không đáp ứng yêu cầu theo quy định.

    Sau khi hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng theo quy định, Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm xây dựng phương án quản lý, khai thác, duy tu, duy trì để cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp phát triển bền vững.

    2. Đối với những cụm công nghiệp có nhu cầu chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư sang doanh nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn và phương án chuyển đổi đối với từng cụm công nghiệp theo các quy định hiện hành báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Sở Công Thương).

    3. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở ngành liên quan thẩm định phương án chuyển đổi đối với từng cụm công nghiệp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định phê duyệt.

    91
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ