Phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa trên thị trường được pháp luật quy định như thế nào?
Nội dung chính
Phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa trên thị trường được pháp luật quy định như thế nào?
Phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa trên thị trường được pháp luật quy định tại Điều 5 Thông tư 26/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành như sau:
Phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:
1. Kiểm tra theo kế hoạch hàng năm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc kiểm tra theo kế hoạch này không cần báo trước cho cơ sở kinh doanh.
a) Căn cứ để xây dựng kế hoạch hàng năm về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:
- Mục tiêu, kế hoạch theo yêu cầu cơ quan quản lý chuyên ngành;
- Kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường;
- Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
- Thông tin cảnh báo trong nước, nước ngoài, khu vực, quốc tế về chất lượng hàng hóa.
b) Kế hoạch kiểm tra phải thể hiện được các nội dung chủ yếu như sau:
- Đối tượng hàng hóa kiểm tra;
- Địa bàn kiểm tra;
- Thời gian kiểm tra (theo tháng);
- Kinh phí tổ chức thực hiện kiểm tra;
- Tổ chức thực hiện.
2. Kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa.
Căn cứ để quyết định kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường:
a) Theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành;
b) Khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa;
c) Thông tin, cảnh báo của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về hàng hóa không bảo đảm chất lượng có nguy cơ đe dọa sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường;
d) Kết quả khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phát hiện hàng hóa không bảo đảm chất lượng.