18:00 - 18/12/2024

Phân loại biển báo hiệu đường bộ? Hiệu lực của các biển báo hiệu đường bộ?

Biển báo hiệu đường bộ được chia thành 5 nhóm. Vậy hiệu lực của các biển báo hiệu đường bộ được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Phân loại biển báo hiệu đường bộ?

    Căn cứ theo Điều 11 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT quy định biển báo hiệu đường bộ được chia thành 5 nhóm cơ bản sau đây: biển báo cấm; biển hiệu lệnh; biển báo nguy hiểm và cảnh báo; biển chỉ dẫn; biển phụ, biển viết bằng chữ.

    Biển báo hiệu trên đường cao tốc và đường đối ngoại phải phù hợp với các quy định nêu tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

    (1) Nhóm biển báo cấm là nhóm biến biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm. Biển báo cấm chủ yếu có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm, trừ trường hợp biển báo cấm được ghép với các thông tin chỉ dẫn trên cùng một biển báo.

    (2) Nhóm biển hiệu lệnh là nhóm biển để báo các hiệu lệnh phải chấp hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo (trừ một số biển đặc biệt). Các biển có dạng hình tròn trên nền xanh lam có hình vẽ màu trắng đặc trưng cho hiệu lệnh nhằm báo cho người tham gia giao thông đường biết.

    (3) Nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo là nhóm biển báo cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời. Biển chủ yếu có hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc cần báo hiệu.

    (4) Nhóm biển chỉ dẫn là nhóm biển báo dùng để cung cấp thông tin và các chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông. Biển chỉ dẫn chủ yếu có hình chữ nhật hoặc hình vuông hoặc hình mũi tên, nền màu xanh.

    (5) Nhóm biển phụ, biển viết bằng chữ là nhóm biển nhằm thuyết minh bổ sung nội dung nhóm biển tại khoản (1), (2), (3), (4) hoặc được sử dụng độc lập.

    Phân loại biển báo hiệu đường bộ? Hiệu lực của các biển báo hiệu đường bộ?Phân loại biển báo hiệu đường bộ? Hiệu lực của các biển báo hiệu đường bộ? (Hình từ Internet)

    Hiệu lực của biển báo hiệu đường bộ?

    Căn cứ theo Điều 15 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT quy định hiệu lực của biển báo hiệu đường bộ như sau:

    - Hiệu lực của các loại biển báo nguy hiểm và cảnh báo và biển chỉ dẫn có giá trị trên các làn đường của chiều xe chạy.

    - Hiệu lực của các loại biển báo cấm và biển hiệu lệnh có giá trị trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có giá trị trên một hoặc một số làn đường theo biển báo trên đường.

    - Biển báo khi sử dụng độc lập thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của biển báo. Biển báo khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả biển báo và đèn tín hiệu theo thứ tự quy định tại Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT

    Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu cùng ở một khu vực thì biển báo hiệu đường bộ có thứ tự ưu tiên thứ mấy?

    Căn cứ theo Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT quy định thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu như sau:

    Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu
    4.1. Khi đồng thời có, bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:
    4.1.1. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
    4.1.2. Tín hiệu đèn giao thông;
    4.1.3. Biển báo hiệu đường bộ;
    4.1.4. Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;
    4.1.5. Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đình phản quang, tiêu phản quang, cột Km,
    cọc H;
    4.1.6. Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
    4.2. Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời.

    Theo đó, khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu cùng ở một khu vực thì biển báo hiệu đường bộ có thứ tự ưu tiên thứ 03, chỉ sau hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và tín hiệu đèn giao thông.

    Đặt biển báo hiệu đường bộ cách đường xe chạy bao nhiêu mét?

    Căn cứ theo Điều 16 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT quy định như sau:

    Vị trí đặt biển báo theo chiều dọc và ngang đường
    16.1. Biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại của người tham gia giao thông.
    Biển phụ được sử dụng kết hợp để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn và đèn tín hiệu.
    16.2. Biển được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; Được đặt về phía bên phải hoặc phía trên phần đường xe chạy. Trong một số trường hợp cụ thể có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi để chỉ dẫn, báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ.
    16.3. Trường hợp biển báo đặt trên cột (có thể đặt trên trụ chiếu sáng, trụ điện) thì khoảng cách mép ngoài của biển theo phương ngang đường cách mép phần đường xe chạy tối thiểu là 0,5 m và tối đa là 1,7 m. Trường hợp không có lề đường, hè đường, khuất tầm nhìn hoặc các trường hợp đặc biệt khác được phép điều chỉnh theo phương ngang nhưng mép biển phía phần xe chạy không được chòm lên mép phần đường xe chạy và cách mép phần đường xe chạy không quá 3,5 m.

    Theo đó, khi biển báo đặt trên cột thì khoảng cách mép ngoài của biển theo phương ngang đường cách mép phần đường xe chạy tối thiểu là 0,5 m và tối đa là 1,7 m.

    Nếu không có lề đường, hè đường, khuất tầm nhìn hoặc các trường hợp đặc biệt khác được phép điều chỉnh theo phương ngang nhưng mép biển phía phần xe chạy không được chòm lên mép phần đường xe chạy và cách mép phần đường xe chạy không quá 3,5 m

    13