18:15 - 18/11/2024

Phân biệt thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp?

Thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp có những điểm khác biệt nào về khái niệm, đối tượng nộp thuế và thu nhập chịu thuế?

Nội dung chính

    Thuế thu nhập cá nhân là gì? Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

    Mặc dù pháp luật hiện hành chưa đưa ra định nghĩa cụ thể cho từng loại thuế, nhưng dựa vào Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 chúng ta có thể hiểu cơ bản như sau:

    - Thuế TNCN là loại thuế trực thu, đánh vào một số khoản thu nhập cao chính đáng của cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội, giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập. Bằng cách áp dụng mức thuế hợp lý, thuế thu nhập cá nhân không chỉ góp phần thúc đẩy công bằng xã hội mà còn là một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, từ đó hỗ trợ việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

    - Thuế TNDN là loại thuế trực thu, thu vào phần thu nhập của các tổ chức kinh doanh.

    Như vậy, Thuế TNCN và thuế TNDN đều là các loại thuế trực thu, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy công bằng xã hội và là nguồn thu thiết yếu cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ các chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

    Điểm khác biệt là Thuế TNCN đánh vào một số khoản thu nhập cao chính đáng của cá nhân, trong khi đó, Thuế TNDN thu vào phần thu nhập của các tổ chức kinh doanh.

    Thuế thu nhập cá nhân là gì? Thế nào là thuế thu nhập doanh nghiệp? (Hình từ Internet)

    Thuế thu nhập cá nhân là gì? Thế nào là thuế thu nhập doanh nghiệp? (Hình từ Internet)

    Đối tượng nộp thuế của thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp?

    (1) Thuế thu nhập cá nhân:

    Theo khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định về đối tượng nộp thuế TNCN như sau:

    Đối tượng nộp thuế

    1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

    2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
    a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
    b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

    Theo đó, đối tượng phải nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể:

    - Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau:

    + Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

    + Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

    - Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu trên.

    (2) Thuế thu nhập doanh nghiệp:

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2008 quy định người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

    - Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

    - Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;

    - Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;

    - Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

    - Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

    Thu nhập chịu thuế giữa thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp?

    (1) Thuế thu nhập cá nhân:

    Căn cứ Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi bởi khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi các Luật về thuế 2014 và khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 các thu nhập chịu thuế TNCN là:

    - Thu nhập từ tiền lương, tiền công;

    - Thu nhập từ đầu tư vốn, gồm: Tiền lãi cho vay; lợi tức cổ phần…;

    - Thu nhập từ chuyển nhượng vốn;

    - Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

    - Thu nhập từ trúng thưởng, gồm: Trúng thưởng xổ số; trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại…

    - Thu nhập từ bản quyền, gồm: Từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ.

    - Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

    - Thu nhập từ nhận thừa kế.

    - Thu nhập từ nhận quà tặng.

    (2) Thuế thu nhập doanh nghiệp:

    Trong khi đó, theo Điều 3 Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013, thu nhập phải chịu thuế TNDN bao gồm:

    Thu nhập chịu thuế
    1. Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 Điều này.
    2. Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.”

    Có thể thấy, thu nhập chịu thuế trong thuế thu nhập doanh nghiệp là các khoản thu nhập từ kinh doanh và thu nhập khác của tổ chức kinh doanh.

    Tóm lại, thu nhập chịu thuế của thuế TNCN phát sinh từ nhiều nguồn hơn, đa dạng hơn, còn thu nhập chịu thuế của thuế TNDN chỉ bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác.

    360
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ