11:47 - 18/12/2024

Phân biệt phiếu bầu cử hợp lệ và phiếu bầu cử không hợp lệ trong việc bầu cử Đảng Cộng sản Việt Nam?

Xin chào ban tư vấn, tôi có thắc mắc như sau: trong lúc tiến hành bầu cử trong Đảng Cộng sản Việt Nam thì sẽ có rất nhiều người được phát phiếu bầu cử. Vậy phiếu bầu cử như thế nào sẽ được xem là hợp lệ?

Nội dung chính

    Phân biệt phiếu bầu cử hợp lệ và phiếu bầu cử không hợp lệ trong việc bầu cử Đảng Cộng sản Việt Nam?

    Căn cứ vào Điều 17 Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về phiếu bầu cử như sau:

    “Điều 17. Phiếu bầu cử
    1- Phiếu bầu in họ và tên những người trong danh sách bầu cử (nơi không có điều kiện in phiếu, ban kiểm phiếu đại hội ghi danh sách bầu cử trên phiếu); đóng dấu của cấp uỷ triệu tập đại hội ở góc trái phía trên của phiếu bầu, chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở (hoặc đảng bộ bộ phận) thì đóng dấu của cấp uỷ cơ sở.
    Người bầu cử nếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử thì gạch giữa cả chữ họ và tên của người mà mình không bầu.
    Trường hợp danh sách bầu không có số dư, phiếu bầu được chia làm 4 cột là: số thứ tự; họ và tên; đồng ý; không đồng ý. Người bầu cử đánh dấu X vào ô đồng ý hoặc ô không đồng ý tương ứng với họ và tên người trong danh sách bầu cử.
    2- Phiếu hợp lệ và không hợp lệ:
    - Phiếu hợp lệ là phiếu do ban kiểm phiếu phát ra, phiếu bầu đủ hoặc thiếu số lượng cần bầu; phiếu bầu mà danh sách bầu cử chỉ có một người, người bầu cử đánh dấu X vào một trong hai ô đồng ý hoặc không đồng ý; phiếu bầu nhiều người mà không có số dư, người bầu cử đánh dấu X vào cả hai ô (đồng ý và không đồng ý) hoặc không đánh dấu X vào cả hai ô (đồng ý và không đồng ý) của một người hoặc một số người trong danh sách bầu cử.
    - Phiếu không hợp lệ là phiếu không do ban kiểm phiếu phát ra; phiếu bầu nhiều hơn số lượng quy định; phiếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử nhiều người; phiếu đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý trong danh sách bầu cử chỉ có một người; phiếu bầu người ngoài danh sách bầu cử; phiếu có đánh dấu hoặc dùng nhiều loại mực; phiếu ký tên hoặc viết thêm.”

    Theo đó, hình thức của phiếu bầu cử và tính hợp lệ của phiếu bầu cử được thực hiện theo quy định nêu trên.

    Phân biệt phiếu bầu cử hợp lệ và phiếu bầu cử không hợp lệ trong bầu cử Đảng Cộng sản Việt Nam?

    Phân biệt phiếu bầu cử hợp lệ và phiếu bầu cử không hợp lệ trong việc bầu cử Đảng Cộng sản Việt Nam?

    Số lượng ứng cử viên tối đa được dư ra trong bầu cử là bao nhiêu?

    Căn cứ theo Điều 16 Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về số dư và danh sách bầu cử như sau:

    “Điều 16. Quy định về số dư và danh sách bầu cử
    1- Số lượng ứng cử viên trong danh sách bầu cử cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy phải nhiều hơn số lượng cần bầu; số dự tối đa do đại hội (hội nghị) quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu, trong đó cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị số lượng nhân sự cấp ủy và ban thường vụ có số dư từ 10% - 15%.
    2- Danh sách ứng cử viên do cấp ủy cấp triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức với đại hội (hội nghị).
    3- Đại hội (hội nghị) thảo luận và biểu quyết lập danh sách như sau:
    - Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử chưa đủ số dư 30% so với số lượng cần bầu thì đại hội (hội nghị) quyết định (có thể lấy danh sách đó làm danh sách bầu cử).
    - Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến đại hội (hội nghị) về những người được đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử. Căn cứ kết quả xin ý kiến, lựa chọn theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp để lập danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu.
    Trường hợp danh sách bầu cử đã đủ số dư 30% mà ở cuối danh sách có nhiều người có số phiếu bằng nhau thì đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định lựa chọn theo cơ cấu, tuổi đảng, hoặc có thể để số dư cao hơn 30% so với số lượng cần bầu.
    4- Danh sách bầu cử xếp thứ tự tên người theo vần A,B,C...; nếu có nhiều người trùng tên thì xếp theo họ; nếu trùng cả họ thì xếp theo tên đệm; nếu cả 3 dữ kiện này đều trùng thì người có tuổi đảng cao hơn được xếp tên trên.
    5- Trường hợp cần bầu lấy số lượng 1 người thì danh sách bầu cử là 2 người; bầu lấy số lượng 2 người thì danh sách bầu cử là 3 người; bầu lấy số lượng từ 3 người trở lên thì danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 1/3 số lượng cần bầu.
    6- Nếu bầu một lần chưa đủ số lượng quy định, có bầu tiếp hay không do đại hội (hội nghị) quyết định. Danh sách bầu cử lần sau phải có số dư lấy theo kết quả bầu cử lần trước từ cao đến thấp của những người chưa trúng cử.”

    Như vậy, quy định về số dư và danh sách bầu cử được thực hiện theo nội dung nêu trên.

    Khi nào sẽ công bố danh sách trích ngang của các ứng viên trong bầu cử Đảng?

    Căn cứ vào Điều 18 Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương quy định như sau:

    “Điều 18. Danh sách trích ngang của các ứng cử viên
    Từ đại hội cấp huyện và tương đương trở lên, trước khi tiến hành bỏ phiếu chính thức, đoàn chủ tịch đại hội cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên (xếp thứ tự như danh sách bầu cử) để đại biểu nghiên cứu trước.”

    Như vậy, việc cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên trong bầu cử được thực hiện theo quy định trên.

    64
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ