11:32 - 13/11/2024

Nộp tiền thi hành án dân sự để chồng được xét giảm án phạt tù

Chồng tôi là người phải thi hành bản án hình sự số 10/HSST/2005 của TAND tỉnh A. Theo bản án chồng tôi phải bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền 55 triệu đồng. Cục Thi hành án dân sự tỉnh A nhận đơn yêu cầu của gia đình người bị hại, thụ lý giải quyết vụ việc. Năm 2007 Cục thi hành án tỉnh A đã uỷ thác cho Chi cục THADS huyện B, tỉnh B nơi chồng tôi và gia đình có hộ khẩu thường trú giải quyết vụ việc. Chi cục THADS huyện B, tỉnh B đã thụ lý đưa ra thi hành. Sau đó năm 2008 do gia đình chưa có điều kiện để thi hành án Chi cục THADS huyện B, tỉnh B đã trả lại đơn yêu cầu cho gia đình người được thi hành án. Hiện tại chồng tôi vẫn đang đi tù, tháng 6/2010 tôi và gia đình đã vay được tiền để nộp tiền bồi thường thay cho chồng tôi. Tôi mang đơn và tiền đến Chi cục THADS huyện B, tỉnh B để nộp thì Chi cục THADS huyện B, tỉnh B trả lời như sau: Tôi phải làm đơn kèm theo giấy uỷ quyền của chồng tôi, và bản án (nội dung đơn phải kính gửi Cục THADS tỉnh A) bởi vì chồng tôi có quyền nộp đơn tự thực hiện nghĩa vụ của bản thân và là lần đầu tiên viết đơn nên phải gửi đơn và nộp tiền đến Cục THADS tỉnh A (nơi TAND tỉnh A xét xử sơ thẩm) chứ không thuộc thẩm quyền của Chi cục THADS huyện B, tỉnh B. Mà Chi cục THADS huyện B này chỉ nhận đơn và tạm thu số tiền bồi thường, sau đó gửi cho Cục THADS tỉnh A giải quyết theo thẩm quyền. Chi cục THADS huyện B sẽ xác nhận cho chồng tôi và gia đình đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường theo bản án, để gia đình tôi nộp cho trại giam làm căn cứ xét giảm án cho chồng tôi. Tôi thấy áy náy, chưa tin tưởng. Do đó tôi chưa nộp đơn, tiền bồi thường ở chi cục THADS huyện B, tỉnh B, vậy tôi phải làm như thế nào? Việc làm của Chi cục THADS huyện B, tỉnh B là đúng hay sai và căn cứ theo quy định nào của pháp luật? Tôi muốn hỏi và đề nghị Tổng cục THADS trả lời gấp cho tôi để tôi và gia đình còn phải làm thủ tục xét giảm án cho chồng tôi vào đợt Quốc khánh năm 2010, để chồng tôi chóng được về đoàn tụ với gia đình.

Nội dung chính

    Nộp tiền thi hành án dân sự để chồng được xét giảm án phạt tù

    Trường hợp bà hỏi thuộc trường hợp đặc biệt trong hoạt động thi hành án dân sự, có liên quan chặt chẽ đến công tác xét đặc xá, đó là chủ trương lớn, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội, do đó trong từng giai đoạn có những hướng dẫn cụ thể. Vì thế, xin nêu và trao đổi với bà cùng bạn đọc một số nội dung sau đây:

    1. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (trước đây là Cục Thi hành án dân sự) đã có nhiều Công văn hướng dẫn thực hiện trong những thời điểm nhất định. Theo hướng dẫn tại Công văn số 145/TP-THA (NVI) ngày 13/8/2004, Công văn số 210/TP-THA (NVI) ngày 29/11/2004, điểm 19 Công văn số 404/TP-THA ngày 24/2/2005 và Công văn số 639/TP-THA ngày 16/3/2005 của Bộ Tư pháp, ngay sau khi người phải thi hành án đã thi hành xong phần nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định của Toà án về vụ án hình sự, thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định kết thúc việc thi hành án. Quyết định kết thúc việc thi hành án phải được gửi cho người phải thi hành án hoặc thân nhân của họ (nếu có yêu cầu) để làm căn cứ xác nhận người phải thi hành án đã thi hành xong phần dân sự khi các cơ quan có thẩm quyền xét đặc xá. Trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù chưa thi hành hoặc mới thi hành được một phần nghĩa vụ tài sản theo bản án, nhưng thân nhân của người phải thi hành án đã cam kết bảo lãnh hoặc dùng tài sản hợp pháp của họ để thực hiện thay nghĩa vụ của người phải thi hành án, thì cơ quan thi hành án thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm thi hành án là kê biên, phong toả tài khoản đối với tài sản đó, đồng thời cấp giấy xác nhận về việc nghĩa vụ của người phải thi hành án đã được bảo đảm thi hành (nếu có yêu cầu). Trong trường hợp họ nộp tiền, tài sản tại Trại giam thì cơ quan thi hành án cử Chấp hành viên, cán bộ thi hành án đến Trại giam để thu tiền, tài sản và cấp văn bản xác nhận họ đã thi hành phần nghĩa vụ tài sản hoặc có thể uỷ thác cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thi hành vụ việc.

    Qua 03 đợt đặc xá 2004, 2005 và 2006, theo đánh giá của Thường trực Hội đồng đặc xá Trung ương, các cơ quan thi hành án dân sự đã góp phần tích cực vào việc thực hiện hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường dân sự, án phí dân sự, truy thu tiền... Tuy nhiên, sơ kết các đợt đặc xá trên cho thấy việc thực hiện các thủ tục, tài liệu chứng minh cho người đã chấp hành hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nộp tiền truy thu, tiền phạt, tiền bồi thường dân sự chưa thống nhất ở các cơ quan thi hành án; có trường hợp người được thi hành án không có đơn yêu cầu hoặc có đơn bãi nại nhưng cơ quan thi hành án không xác nhận; có nơi người phải thi hành án thực hiện xong nghĩa vụ thì có quyết định kết thúc việc thi hành án, nhưng có nơi lại không có... Hậu quả là nhiều trường hợp phạm nhân không được hưởng đặc xá, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của những phạm nhân đã cải tạo tiến bộ, có ý thức chấp hành tốt hình phạt.

    Để phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện tốt các đợt đặc xá trong những năm tới, trên cơ sơ rút kinh nghiệm các đợt đặc xá năm 2005 và 2006 và để tạo điều kiện tốt nhất cho người phải thi hành án và thân nhân thực hiện nghĩa vụ về tài sản, Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hướng dẫn bổ sung tại Công văn số 721/THA-NV.I ngày 07/09/2006, như sau:                     

     -  Trường hợp thân nhân người phải thi hành án đến nộp các khoản tiền, tài sản để thi hành phần nghĩa vụ tài sản của người đó, nếu thuộc thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án ngay, tiến hành thu số tiền, tài sản, đồng thời xác nhận bằng văn bản về khoản nghĩa vụ tài sản người phải thi hành án đã thi hành (hoặc ra quyết định kết thúc nếu đã hoàn tất các nghĩa vụ về thi hành án) để làm căn cứ xét đặc xá.

    Trường hợp người được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng người phải thi hành án có đơn yêu cầu được thi hành án thì cơ quan thi hành án vẫn ra quyết định thi hành án, thu tiền, tài sản và cấp giấy xác nhận hoặc quyết định kết thúc việc thi hành án cho họ.

    - Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền ra quyết định thi hành án, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên vẫn phải nhận đơn yêu cầu thi hành án (đơn xin nộp tiền) để tiến hành lập biên bản và thu số tiền, tài sản do thân nhân người phải thi hành án nộp, sau đó cấp biên lai và giấy xác nhận về khoản nghĩa vụ tài sản đã thi hành cho người phải thi hành án. Số tiền tạm thu phải gửi ngay vào tài khoản tạm gửi, sau đó Thủ trưởng cơ quan thi hành án kiểm tra, làm thủ tục uỷ thác và chuyển số tiền, tài sản tạm thu cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện để thụ lý thi hành. 

    - Trường hợp các khoản thi hành án theo đơn yêu cầu, hết thời hiệu mà các bên không có đơn yêu cầu thi hành án, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án vẫn phải xác nhận bằng văn bản về việc hết thời hiệu yêu cầu thi hành (nếu người phải thi hành án yêu cầu xác nhận) để làm căn cứ xác nhận người đó có đủ điều kiện được xét đặc xá. Mọi trường hợp người phải thi hành án đã hoàn tất nghĩa vụ thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải kịp thời ra quyết định kết thúc việc thi hành án và cấp cho người phải thi hành án quyết định đó. Nếu người phải thi hành án mới hoàn thành được một phần nghĩa vụ tài sản, chưa đủ điều kiện để ra quyết định kết thúc việc thi hành án, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án vẫn phải xác nhận bằng văn bản khoản nghĩa vụ đã thực hiện của người đó (khi có yêu cầu xác nhận).

    - Trường hợp Trại giam có thông báo về việc phạm nhân hoặc thân nhân của họ nộp tiền tại Trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án đang thụ lý thi hành phần dân sự phải cử chấp hành viên, cán bộ trực tiếp đến Trại giam để thu tiền, tài sản. Nếu thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền thì phải thông báo cho cơ quan thi hành nơi thụ lý vụ việc biết để cử người đến thu tại trại giam.

    2. Hiện nay, Điều 128 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về thu án phí, tiền phạt và các khoản phải thu khác đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù có quy định: “Giám thị trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án và chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy định của pháp luật”.

    Để thực hiện tốt công tác đặc xá năm 2010 theo Quyết định số 697/2010/QĐ-CTN ngày 26/5/2010 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2010, Hướng dẫn số 211/HDTVĐX ngày 04/6/2010 của Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương và Công điện số 943/CĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Quyết định số 697/2010/QĐ-CTN ngày 26/5/2010 nêu trên, ngày 16/6/2010 Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1627/THA-NV2 yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương mình thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

    - Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, vận động người phải thi hành án hoặc thân nhân của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam nâng cao nhận thức và nghĩa vụ tích cực thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự.

    - Mở đợt cao điểm tập trung thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định về hình sự, tích cực đôn đốc, động viên, tạo điều kiện để thân nhân, gia đình của người phải thi hành án thực hiện trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự.

    - Có văn bản đề nghị các trại giam, trại tạm giam đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố thông báo, đôn đốc, hướng dẫn người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam hoặc thân nhân của họ nộp tiền, tài sản tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương hoặc trại giam, trại tạm giam.

    - Phân công cán bộ, Chấp hành viên thường trực tại cơ quan thi hành án dân sự (kể cả ngày nghỉ) để thu tiền, tài sản do thân nhân của người phải thi hành án dân sự nộp thay và cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án để làm cơ sở đề nghị xét đặc xá cho người phải thi hành án.

    Phân công Chấp hành viên, cán bộ thi hành án trực tiếp làm việc, phối hợp với trại giam, trại tạm giam tiến hành việc thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù hoặc thân nhân của họ nộp thay tại trại giam, trại tạm giam.

    Căn cứ hướng dẫn trên đây, thì bà có thể nộp tiền tại trại giam nơi chồng bà đang chấp hành hình phạt tù hoặc nộp tiền tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện B để Chi cục Thi hành án dân sự huyện B xác nhận kết quả thi hành phần dân sự theo bản án, để bà nộp cho trại giam làm căn cứ xét giảm án cho chồng bà. Chúc chồng bà được xét đặc xá vào đợt Quốc khánh năm 2010 để về đoàn tụ với gia đình.

    185
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ